Card dead là khi bạn trải qua rất nhiều hand liên tục toàn bài rác 8♥︎2♦︎, 9♦︎3♣︎, J♠︎5♣︎… Đây là 1 trong những cảm giác khó chịu nhất khi chơi poker. Thà thua do bị set up đụng hàng, hay do bluff all in bị bắt, ra đi trong oanh liệt thì còn hơn. Chứ thua khi mà card dead là thua kiểu bất lực, không thể làm gì, cứ thế từ từ chảy máu hết chip, chết dần chết mòn. Nhiều người cứ nghĩ “mình phải làm gì đó chứ không để thế này được“, thế là húng lên đánh lăng nhăng, bài rác vẫn vào, bluff bừa phứa, cuối cùng lại càng thua thảm.
Đã chơi poker thì không ai thoát được tình trạng card dead, kể cả người chơi giỏi đến mấy. Nổi tiếng nhất có thể kể đến J.C. Tran, một người chơi poker chuyên nghiệp gốc Việt kỳ cựu, sau khi lọt vào bàn chung kết giải vô địch thế giới World Series of Poker Main Event năm 2013 với tư cách chip leader khủng và là ứng viên nặng ký, anh đã bị card dead suốt bàn final và cuối cùng chỉ lết được về 5. Nếu có những hôm bạn hit bài liên tục, cứ cầm đôi là hit set, mua thùng mua sảnh đều ra, 10 ván thì đến 5 ván cầm Q♠︎Q♣︎, A♦︎K♦︎ gì đó, thì ngược lại sẽ là những ngày card dead. Đây chỉ đơn giản là xác suất, là toán học, không ai đen mãi được và cũng không ai hên mãi được.
Vậy khi bị card dead, bạn phải làm thế nào? Việc đầu tiên là phải xác định tâm lý: khả năng cao bạn sẽ thua, và bạn phải chấp nhận. Nếu bạn bị chia 7♦︎2♥︎ 100 ván liền, rồi hỏi tôi làm sao để đánh thắng, thì chắc chắn không có cách nào cả. Nhưng điều đó không hề quan trọng. Thắng thua trong poker không hề quan trọng. Hiểu được điều này, bạn sẽ tiến 1 bước xa. Ta chơi poker không phải để ăn pot, không phải để thắng 1 buổi chơi, hay để thắng 1 tournament. Ta chơi poker là để đưa ra quyết định đúng, và quyết định đúng khi cầm bài rác là bỏ bài. Giảm thiểu thiệt hại tối đa khi bạn cầm bài yếu hơn đối thủ, đó chính là 1 thắng lợi.
Bây giờ, bạn đã xác định tâm lý, bài mình xấu nãy giờ, buổi đi chơi hôm nay mình chấp nhận khả năng cao sẽ thua. Thế là thoải mái hơn rất nhiều rồi! Câu hỏi cần quan tâm, là liệu có cách nào làm giảm thiệt hại hơn nữa hay không? Khi bạn bị card dead, bỏ bài liên tục, trong mắt đối thủ, họ sẽ nghĩ bạn là 1 người chơi cực kỳ chắc chắn. Bạn phải biết hình ảnh đó của mình và thay đổi lối chơi của bản thân 1 cách phù hợp. Thay đổi đầu tiên, là bluff nhiều hơn, hổ báo hơn. Nếu bạn đã bỏ bài 20 ván liền, thì ván thứ 21, nhìn thấy 1 tình huống hợp lý, chẳng hạn khi 1 người chơi ngồi ở vị trí cuối raise lên, bạn có thể cầm bài không mạnh lắm 3-bet họ, xác suất cao là họ sẽ sợ bạn và bỏ bài. Đã muốn đánh bài rác thì phải đánh aggressive lên để tận dụng tối đa fold equity, chứ đừng kiểu call vào xem flop xem có ăn may hit được gì ko. Đánh thế là đánh bạc chứ ko phải chơi poker nữa.
Thay đổi thứ 2, là bạn phải fold nhiều hơn khi bị đánh lại. Điều này là rất khó, vì sau khi ngồi gần 3 tiếng toàn bài rác, bốc lên được A♦︎J♣︎ vừa chớm raise liền bị đối thủ 3-bet, bạn sẽ tiếc bài “giờ bỏ bài này thì đợi đến bao giờ mới có bài nữa để đánh?“. Thế là bạn all in và nhảy ngay vào mồm K♠︎K♣︎. Điều cần thiết phải nhận ra ở đây là với hình ảnh đánh chắc, rất lâu mới ra đường thì đối thủ phải có bài rất mạnh mới dám đánh lại bạn. Điều thứ 2 cần hiểu rằng, dù 100 ván liền bạn bị chia bài rác, xác suất bạn được chia A♠︎A♣︎ vào ván thứ 101 vẫn không thay đổi, chứ không phải là bạn đang rơi vào “dây đen” như một số bạn duy tâm suy nghĩ. Việc bạn phải đợi 3 tiếng mới có bài khá để đánh không có nghĩa nếu fold ở đây, bạn sẽ phải đợi 3 tiếng nữa, xác suất thống kê không hoạt động như vậy.
Còn thay đổi thứ 3, cũng rất quan trọng, nhưng khó nhận ra hơn. Đó là, bạn không thể value bet quá mỏng được nữa. Chẳng hạn bình thường cầm A♦︎J♣︎, K♥︎T♥︎, 7♠︎7♣︎, bạn có thể 3-bet đối thủ, để lấy value từ những bài yếu hơn như A♦︎8♦︎, T♣︎8♣︎, 4♦︎4♣︎… thì bây giờ khi bạn 3-bet với cái hình ảnh chắc như thế, họ sẽ sợ bạn và bỏ bài hết, chỉ tiếp tục với bài rất mạnh, thế là bạn đâu lấy value được nữa. Vì vậy bạn cần những bài mạnh hơn 1 nấc nữa thì mới value thoải mái được.
Cần chú ý, những thay đổi này chỉ có tác dụng, nếu đối thủ của bạn là người chơi khá. Họ phải nhận ra được bạn là người có hình ảnh đánh chắc, và họ phải biết bỏ bài yếu khi bị bạn raise. Còn nếu đối thủ của bạn đánh kém, chỉ biết đánh bài của họ, không quan tâm gì đến hình ảnh của bạn, hoặc là kể cả đoán bạn cầm bài mạnh nhưng vẫn theo cố với bài trung bình yếu, thì gặp calling station dạng này, bạn chỉ còn cách kiên trì, giữ kỷ luật, bỏ bài rác của mình và hi vọng chờ giai đoạn card dead sớm trôi qua.
Cuối cùng, mình xin nói về 1 tật xấu của 1 vài người chơi khi bị card dead. Đó là việc họ lật bài rác của mình ra kêu ca than phiền, hay tỏ rõ ra mặt thái độ bực bội, bức xúc, chán nản. Nhìn như vậy, người khác biết ngay rằng, nãy giờ bạn bỏ bài liên tục là vì bạn đang card dead, chứ không phải tại bạn là người chơi chắc. Và như vậy, nếu giỏi, họ sẽ biết cách thích ứng lại khi đánh với bạn. Khi chơi poker, bạn phải tránh để lộ thông tin tối đa có thể. Việc bạn đang bị card dead cũng là 1 thông tin quan trọng cần giấu. Giữ lấy cho riêng bạn thông tin đó thôi, vậy là bạn đã có thêm 1 chút lợi thế so với đối thủ trong trận chiến này rồi.