Poker Là Khoa Học Hay Nghệ Thuật?

Mọi người thường tự hỏi nhau, poker là khoa học, hay nghệ thuật? Tại sao có những người chẳng biết gì về pot odds hay ICM, chơi online không dùng phần mềm hỗ trợ gì, nhưng vẫn đạt được thành công ổn định? Theo cá nhân mình, khi chơi poker, có 2 kỹ năng chính: thu thập thông tin, và xử lý thông tin.

THU THẬP THÔNG TIN

Trước mỗi quyết định cần đưa ra trong poker, việc đầu tiên bạn cần làm là thu thập thông tin:

  • Các yếu tố chắc chắn, hiển nhiên: vị trí của các người chơi, stack size, cơ cấu giải thưởng, giải đấu còn bao nhiêu người, bài của bạn, bài trên mặt, các lá bài bị lộ…
  • Các yếu tố còn chưa rõ. Poker là trò chơi với thông tin không đầy đủ (incomplete information), khác với những game như cờ vua, cờ tướng…

Có rất nhiều thông tin bạn không có đủ:

  • Bài đối thủ có thể cầm, và xác suất tương ứng. Gần như không bao giờ bạn có thể đọc chính xác 2 lá bài của đối thủ (dù ngồi trên bàn mình vẫn thường xuyên nghe những câu: “tôi đọc nó AK không hit nên tôi call 3 vòng với bottom pair“, “tôi đọc nó chắc chắn hit set nên tôi fold 2 đôi của tôi“… Nên hạn chế suy nghĩ theo kiểu này, mà hãy đọc bài đối thủ theo ranges – khoảng bài)
  • Cách đối thủ sẽ phản ứng với từng loại bài đó (Ví dụ sẽ reraise với set hoặc monster draw, chỉ call với mid pairs, vv…). Nhiều bạn quên mất phần này: có thể bạn đọc rất chính xác đối thủ cầm bài yếu (A cao, bottom pairs…), và thực hiện một cú bluff lớn. Nhưng bạn quên mất cần đọc thêm xem đối thủ sẽ làm gì với bài yếu đó (có thể vẫn call như thường), và việc họ call với bottom pairs ở đó không phải vì họ “ngu, fish, đánh kém mới call ở đấy” mà vì bạn chưa đọc được hết đối thủ.

Để thu thập thông tin này, bạn có thể sử dụng nhiều biện pháp:

  • Dùng khoa học và xác suất: Ví dụ thấy đối thủ có tần suất raise ở button rất cao, 10 ván raise 9, ta có thể đưa ra kết luận ranges của anh ta rất rộng, đủ thể loại bài. Các phần mềm hỗ trợ như HUD cũng giúp bạn có thêm thông tin, chẳng hạn thấy đối thủ có tần suất C-bet chỉ là 30% thì khả năng cao cú C-bet lần này của anh ta rất mạnh.
  • Dùng những kỹ năng mềm – hay nói cách khác là nghệ thuật: quan sát ngôn ngữ cơ thể, nói chuyện với đối thủ, lắng nghe giọng điệu, để đoán xem đối thủ đang lo lắng hay sợ sệt, hồi hộp hay tự tin. Hiểu rõ tâm lý của đối thủ, biết là anh này thích gamble nên trong range sẽ nhiều bài mua bán. Biết là anh này muốn được vào final table để chụp ảnh khoe facebook, nên nếu anh ta all in ở bubble final table thì ranges của anh ta cực mạnh hơn hẳn lúc thường. Hoặc biết đối thủ vốn chỉ quen đánh tour nhỏ, bankroll yếu, tự dưng satellite vào được tour high roller, thì gần bubble anh ta sẽ sợ sệt hơn bình thường.

XỬ LÝ THÔNG TIN

Một khi đã có những thông tin cần thiết, phần thứ hai trong Poker là xử lý thông tin. Phần này thì hoàn toàn 100% là toán học:

  • Với ranges dự đoán của đối thủ, liệu bài của ta có đủ equity để chơi?
  • Đối thủ sẽ fold bao nhiêu % trong ranges của anh ta nếu ta bet ở đây?
  • Nếu ta call ở đây thì ở turn xác suất bao nhiêu % sẽ ra quân bài thuận lợi cho ta?
  • ICM ảnh hưởng đến ranges của chúng ta thế nào tại các giai đoạn có pay jump lớn?

Một khi đã có đầy đủ thông tin, thì phần xử lý này không có chỗ cho “cảm giác”, “cảm nhận”, “hứng”, mà chỉ có đáp án tối ưu cần tuân theo.

KẾT LUẬN

Như vậy, có thể thấy: trong Poker, có cả khoa học, lẫn nghệ thuật (kỹ năng mềm), dù phần khoa học chiếm nhiều hơn khá nhiều. Sai lầm thường gặp:

  • Không quan tâm đến toán. “Mỗi người mỗi kiểu chơi“, “Đánh sao chẳng được“, “Chơi theo cảm giác“, “Tao trước giờ chẳng biết gì về toán mà vẫn thắng như thường“. Nếu mục đích của bạn là chơi giải trí thì đúng là “Sao cũng được“. Còn nếu mục đích là đạt được kết quả tốt nhất có thể thì suy nghĩ 1 cách khoa học là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, như đã giải thích ở trên, bạn có thể dùng kỹ năng mềm / feeling / trực giác cho phần thu thập thông tin. Còn một khi đã có thông tin, chỉ có toán học mới giúp bạn đưa ra giải pháp chính xác. Nếu bạn nói “Tôi fold 2nd nut vì cảm thấy đối thủ rất mạnh” thì còn tạm chấp nhận được. Còn nếu nói “Tôi fold vì cảm thấy hôm nay không may, cảm thấy mua sẽ không ra, cảm thấy flip toàn thua, thằng kia căn rất cao…” thì là hoàn toàn sai lầm.
  • Không quan tâm đến kỹ năng mềm. Những người đọc quá nhiều sách, thường xuyên chơi online và quá phụ thuộc vào các phần mềm, thường bỏ qua các yếu tố khác ngoài toán học, cười khẩy, khinh bỉ khi người chơi nào đó nói về ngôn ngữ cơ thể, trực giác, tâm lý. Cách nghĩ này là đúng, nếu bạn chơi với máy tính, chẳng hạn một ngày nào đó bạn được mời đến test thử phần mềm trí tuệ nhân tạo chơi Poker. Nhưng bình thường, bạn chơi Poker với con người. Từ chối tiếp nhận các thông tin đến từ tâm lý, hành vi, cử chỉ của đối thủ, bạn vẫn có thể chiến thắng, nhưng tự bạn đang giới hạn khả năng của bản thân mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *