Trong 1 nghiên cứu kéo dài 25 năm, nhà xã hội học Karl Alexander thuộc đại học Johns Hopkins, Mỹ, đã theo dõi, kiểm tra trình độ học vấn, khả năng đọc hiểu và kiến thức nói chung của trẻ em tiểu học, phân loại theo tầng lớp gia đình: nghèo, trung lưu và giàu có. Điểm trung bình của học sinh nghèo kém hơn học sinh giàu 1 chút vào lớp 1, nhưng sau 4 năm, chênh lệch điểm trung bình đã tăng gấp đôi (và sự khác biệt này càng ngày càng tăng, kéo dài đến khi trưởng thành). Người ta có thể giải thích cho việc này là trẻ em nghèo ham chơi hơn, lười hơn, ít thời gian học hơn do phải lo giúp bố mẹ kiếm tiền, hoặc chỉ trích ngành giáo dục quá yếu kém, không dạy được các em. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào các số liệu, Alexander nhận thấy: – Nếu so sánh điểm trung bình vào tháng 9 (khi bắt đầu năm học) và tháng 6 (khi kết thúc năm học), các học sinh nghèo thậm chí còn cải thiện điểm số nhiều hơn so với học sinh giàu. – Thế nhưng trải qua 3 tháng hè, trong khi điểm trung bình của các học sinh giàu tăng đáng kể, thì học sinh nghèo lại giảm đi 1 chút. Học sinh giàu được bố mẹ cho đi học ngoại khóa, thăm bảo tàng, tham gia trại hè. Còn học sinh nghèo thì chỉ quanh quẩn ở nhà xem TV, hoặc đi chơi với lũ bạn cùng khu phố, quên hết bài học ở lớp. Hiện tượng này được gọi là Summer Learning Gap, và năm này qua năm khác càng ngày càng khiến sự chênh lệch giữa học sinh giàu và học sinh nghèo tăng lên. Như vậy: Sự khác biệt trong kết quả học tập của học sinh giàu và học sinh nghèo, thực chất đến từ thời gian không ở trường. Theo Alexander, các nhà giáo dục ở Mỹ đã tốn quá nhiều công sức họp hành bàn luận về việc nên cải cách thế nào, viết lại sách giáo khoa, giảm số học sinh mỗi lớp, đầu tư cơ sở vật chất ra sao, trong khi thực tế, nước Mỹ không có vấn đề gì với nhà trường. Nó chỉ có vấn đề với kỳ nghỉ hè. Và chúng ta cũng đang trong 1 kỳ nghỉ hè dài trên toàn thế giới. Có thể là rất dài, vì chưa biết khi nào dịch Corona Virus mới kết thúc, các trường học, công ty, cửa hàng mới thực sự trở lại hoạt động gần như trước. Và ta có thể chọn, dùng thời gian này để nghỉ ngơi, giải trí, cày hết top 250 phim của imdb, đọc hết phần mới ra của truyện tranh Conan mà ta đã bở dở từ 15 năm trước, hay ngồi xem Thách thức danh hài trên youtube. Hoặc ta cũng có thể dành thời gian này để “học hè”. Học 1 ngoại ngữ mới. Đọc thêm thật nhiều sách. Tham gia 1 vài khóa học online. Học làm trang web, học kỹ năng mềm, học marketing. Tập yoga, hoặc nếu không có không gian rộng, có khi chỉ đơn thuần là plank hay chống đẩy. Chính những thời gian rảnh rỗi, “ăn không ngồi rồi”, “chẳng có việc gì làm” này lại là lúc tạo ra Summer Learning Gap của bạn, để bạn – từ 1 học sinh nghèo – có thể thu hẹp khoảng cách với các đối thủ “học sinh giàu” phía trước. (Tản mạn trong lúc nghỉ giải lao sau khi xem video của Kanu7, chờ cơ hội) Nguồn: – https://www.ewa.org/sites/main/files/file-attachments/summer_learning_gap-2.pdf – Outliers, Malcom Gladwell