Sunk cost và Poker

Bạn mua vé đi coi phim. Xem được một nửa thì thấy phim chán, cốt truyện, diễn xuất đều nhạt, nhưng tặc lưỡi ngồi xem nốt vì “lỡ mua vé rồi”. Đây là 1 ví dụ điển hình của cách nghĩ sai về Sunk cost (chi phí chìm). Tiền bạn bỏ ra mua vé đã mất, dù bạn có ngồi xem tiếp hay đi về. Quyết định xem tiếp hay không, không phụ thuộc vào chuyện bạn đã mua vé, mà chỉ phụ thuộc vào phán đoán của bạn xem khả năng phần sau có hay hơn không, bạn có việc gì khác đáng làm hơn thay vì ngồi tiếp ko.

Nếu 1 nhà đầu tư mua cổ phiếu của Blackberry với giá $20/cp, thì khi giá xuống $15 sẽ có xu hướng không muốn bán, cố gồng mình hi vọng nó lên lại, ít nhất phải về $20 mới bán, vì nếu không, anh ta phải đối mặt với sự thật là quyết định mua với giá $20 của anh ta là sai lầm. Nhưng số tiền anh ta đang lỗ là sunk cost, không còn lấy lại được nữa, nó không ảnh hưởng đến chuyện có nên bán bây giờ không. Quyết định bán lẽ ra chỉ phụ thuộc vào phán đoán của anh ta về việc Blackberry trong tương lai gần làm ăn thế nào, giá cổ phiếu sẽ lên hay xuống so với mức $15, không phải “liệu nó có về lại được $20 không”.

Quân đội Mỹ sa lầy trong cuộc chiến với Việt Nam, Iraq, Afghanistan… một phần vì “đã lỡ đầu tư quá nhiều tiền của, sức người vào rồi, phải cố nốt”. Nhiều cặp đôi không còn hạnh phúc với nhau nữa nhưng không muốn chia tay vì tiếc “công yêu”, “tiền quà” mấy năm trời. Một người chơi Võ Lâm Truyền Kỳ không muốn nghỉ game vì đã lỡ tốn quá nhiều tiền mua sắm item cho nhân vật của mình. Cách nghĩ sai về sunk cost hiển hiện trong rất nhiều lĩnh vực, vì đó là cách nghĩ tự nhiên của con người. Một người phải rất lý trí mới vượt qua được cạm bẫy này.

Poker không phải ngoại lệ. Ngồi trên bàn poker, bạn thấy rất nhiều ví dụ về sunk cost:

  • Một nhà call 3-bet preflop với bài lỡ cỡ, call cố ở flop đi mua thùng, đến turn bị all in, dù biết cửa mua ra rất thấp nhưng vẫn cố theo vì “đã lỡ theo đến đây rồi, bỏ thì phí”. Số chip bạn đã bỏ vào pot ở những vòng trước không liên quan. Chuyện bạn có nên tiếp tục chỉ nên dựa vào phán đoán của bạn: chơi thế nào là tối ưu cho thời điểm này.
  • Người chơi có xu hướng defend big blind rộng hơn khi chơi tour theo cấu trúc big blind ante thay vì cấu trúc cũ (mỗi nhà góp ante), vì họ nghĩ “tao đã mất 2 big blind rồi, phải cố theo nốt chứ không là mất”. Bạn có nên defend hay không, chỉ nên dựa vào tỉ lệ odds bạn có, và sức mạnh bài bạn so với range đối thủ, không phụ thuộc vào ante là bạn đóng hay cả bàn góp đóng.

Mình cũng nhận được rất nhiều tin nhắn / email của 1 số bạn, nói rằng bị rủ rê tham gia chơi poker underground, giờ thua nhiều quá, cắm xe, sạch túi, “anh làm ơn dạy em để em gỡ lại”. Bạn dại dột tham gia 1 trò chơi mà bạn không giỏi với số tiền quá lớn, đó là sai lầm của bạn, nhưng số tiền đó đã mất trong quá khứ, không lấy lại được. Đừng cố tìm cách “gỡ”, chẳng hạn đi vay nặng lãi, mò lên bàn cao hơn, vv…. Bạn chỉ nên quyết định có tiếp tục chơi poker nữa hay không dựa vào phán đoán “nếu dành thời gian học poker, tiềm năng để mình kiếm tiền là bao nhiêu, so với các cơ hội khác thế nào”. Đôi khi chấp nhận sai lầm, bỏ không chơi poker nữa mới là lựa chọn đúng, nhất là nếu bạn không có năng khiếu trong môn này (cả về chiến thuật và tâm lý), chỉ nên coi nó như giải trí, chơi nhỏ vừa phải với bạn bè.

Hi vọng sau loạt ví dụ này, bạn sẽ hiểu rõ về sunk cost, để kịp nhận ra mình đang mắc sai lầm trong cách nghĩ khi chơi poker, cũng như trong mọi tình huống khác trong cuộc sống.

1 Comments Sunk cost và Poker

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *