Đừng thành kiến với thành kiến

Thời còn sống ở Chicago, mình hay bắt chuyến subway chính dọc thành phố để đi từ nhà đến trường. Tuyến tàu này còn được gọi đùa là đường tàu đổi màu. Khi bắt đầu ở khu nhà giàu phía Bắc thành phố, hành khách trên tàu thường là da trắng, còn đi qua downtown trung tâm, càng về phía nam gần những khu bất ổn, nhìn quanh gần như chỉ còn người da đen. Trường mình nằm ở phía nam, và nếu hôm nào buổi tối một mình trong toa tàu, bỗng dưng thấy một thanh niên da đen cao to xăm trổ bước lên, mình sẽ bất chợt vô cùng cảnh giác. Có phải mình phân biệt chủng tộc? Không hẳn, mình đơn giản là có thành kiến với người da đen ở Chicago, và mình thấy không có gì xấu để thừa nhận điều đó.

Thành kiến, hay định kiến, là cách một người đưa ra đánh giá, dự đoán về một sự việc mới gặp dựa vào những kinh nghiệm, kiến thức của người đó về các sự việc tương tự liên quan. Mỗi người chúng ta có khả năng đưa ra và áp dụng định kiến cực giỏi, cực nhanh một cách tự động: Thấy một phụ nữ phóng xe Lead xi nhan trái, bạn đi chậm lại đề phòng xem chị ta có rẽ phải. Vào cửa hàng, bạn sẽ mua chiếc tivi xuất xứ từ Nhật Bản thay vì hàng made in China, dù chẳng biết gì về cả 2 nhãn hiệu. Nhận đơn xin việc của một du học sinh từ Mỹ về, bạn lập tức mời vào vòng 2 phỏng vấn, dù có thể cậu ta chưa có kinh nghiệm làm việc nào. Đến chuyện đơn giản như bữa tối, bạn sẵn sàng leo 5 tầng lầu để lên ăn tại Mountain Retreat, chỉ vì đã từng có trải nghiệm tốt tại Secret Garden – một quán cùng chủ. Tất cả những quyết định chóng vánh này đa phần đều là chính xác, giúp tiết kiệm, tối ưu thời gian công sức, dù tất nhiên nó không hoàn hảo. Thậm chí luật pháp của mỗi nước cũng sử dụng định kiến để ra quy luật khái quát chung: chỉ cho phép người đủ 18 tuổi bầu cử, lái xe hơi, thành hôn, dù rõ ràng có nhiều người 30 tuổi cũng không đủ chín chắn, trưởng thành bằng một vài đứa trẻ 12 tuổi.

Loài người chúng ta đã hình thành và trui rèn kĩ năng tạo định kiến trong suốt quá trình tiến hóa, bởi nó vô cùng cần thiết. Nếu một người nguyên thủy ngày xưa gặp một con rắn, mà còn mất công tìm hiểu phân tích xem đây là rắn loại gì, có độc không, bởi “rắn cũng có loại này loại kia“, thì chắc sẽ không sống sót được lâu. Chỉ những người biết nhanh chóng đưa ra nhận định, phán đoán trong bối cảnh không đầy đủ thông tin mới có thể tồn tại và truyền gene đến đời sau – đó chính là tổ tiên của chúng ta.

Định kiến không xấu, trái lại nó tối quan trọng và hữu dụng trong rất nhiều tình huống và lĩnh vực, vì thế, hãy thôi có thành kiến đối với thành kiến. Cái quan trọng ở đây là liệu bạn có đủ thoáng, đủ cởi mở trong suy nghĩ, sẵn sàng đón nhận thông tin mới và thay đổi quan điểm của bản thân? Bạn có cho người khác cơ hội chứng tỏ với bạn rằng họ là ngoại lệ? Và định kiến của bạn có dựa trên cơ sở thông tin, thống kê uy tín hay chỉ là quan niệm dân gian cổ hủ kiểu “phụ nữ có gò má cao sát chồng“? hoặc “đàn ông rặt một lũ trăng hoa” sau khi bị lừa tình vài lần?

Cuối cùng, định kiến không phải là bất biến. Nó luôn chuyển động và thay đổi, vì thế nó thường phản ánh đúng hiện thực. Giữa thế kỷ 20, người châu Á ở Mỹ bị thành kiến là vô giáo dục, chỉ biết làm việc chân tay cơ bản, còn bây giờ, góc nhìn phổ biến về người Mỹ gốc Á là những người học vấn cao, thành đạt. Ngành y suốt hàng thế kỷ bị coi là “công việc của đàn ông“, phụ nữ không đủ trình độ cả về kiến thức lẫn tâm lý để cáng đáng trọng trách cứu người, nhưng giờ đây việc vào bệnh viện gặp bác sĩ nữ là quá bình thường và chẳng ai bận tâm. Nếu bạn là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thành kiến, cách tốt nhất để phá bỏ thành kiến đó không phải là than phiền về chuyện bị trông mặt bắt hình dong, mà trước hết phải tự mình cố gắng thay đổi. Chẳng hạn biết đâu đến một lúc nào đó ngồi trên bàn poker online mà thấy cờ Việt Nam, đối thủ sẽ run sợ thay vì liếm mép “gà thơm đây rồi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *