G-Dragon là thằng nào??

Buổi tối rảnh rỗi, 2 vợ chồng bật youtube lên xem 1 video của Big Bang. Đầu clip, 1 cậu Hàn Xẻng tóc đen ăn mặc chỉn chu cất tiếng hát. Vợ quay sang bảo mình “Đố anh biết ai trong ban nhạc này là G-Dragon, ca sĩ em hâm mộ nhất thời sinh viên?“. Mình vốn mù tịt về K-pop lẫn show biz, chả bao giờ quan tâm, Sơn Tùng với Hoàng Touliver trông khác nhau thế nào cũng chịu. Thế nhưng các câu đố, thử thách thì mình lại rất hứng thú, và việc đầu tiên là loại anh chàng tóc đen khỏi đáp án, vì không ai đố tìm G-Dragon khi màn hình đang hiện chính G-Dragon lên.

Người tiếp theo bước lên sân khấu là 1 chàng tóc vàng, rồi đến 1 cậu tóc đỏ, nhưng với trình độ âm nhạc tai trâu của mình thì phong cách, giọng điệu, kỹ thuật của cả 2 chả khác nhau là mấy. Mình liền hỏi vợ “Ban nhạc Big Bang có mấy thành viên?“. Vợ lưỡng lự “lâu lắm rồi không xem, em cũng không nhớ, hình như là 3“. Ngay lúc đó, một người nam nữa xuất hiện trên màn hình. Vợ ồ lên “Ui trời sao em lại quên mất Son Heung-min nhỉ (thực ra là nói tên khác nhưng dùng tạm tên này vì mình chả biết tên tiếng Hàn nào khác)”. Và dù sau đó còn 1 ca sĩ cuối cùng (ban nhạc Big Bang có tổng cộng 5 người) thì mình đã không quan tâm nữa, chỉ còn tập trung vào để ý so sánh giọng hát anh chàng thứ 2 và thứ 3, bởi nếu G-Dragon là người thứ 4 hoặc thứ 5 thì vợ đã không có chuyện nhầm lẫn.

Đến cuối clip, mình chỉ vào cậu tóc đỏ khẳng định “thằng này là G-Dragon“. Vợ nhìn mình khâm phục lắm. Việc giảm thiểu số lựa chọn từ 5 xuống 2 là cực kỳ quan trọng, thậm chí nếu chỉ cần có 3 lựa chọn, khả năng mình đưa ra đáp án đúng cũng giảm đi đáng kể. Người ta có thể dễ dàng so sánh A với B, chứ không phải A với B với C. Trong ngành ẩm thực, từ lâu người ta đã biết đến phép thử tam giác: Nếu cho nếm thử 2 ly rượu, người bình thường cũng dễ dàng nhận ra ly nào chất lượng, đắt tiền hơn, còn nếu cho nếm thử 3 ly khác nhau, chỉ những người sành rượu mới có thể chỉ ra chính xác, bởi lúc này họ cần ghi nhớ, lưu giữ cảm nhận, hương vị của từng ly trong đầu trong khi lần lượt thử 2 ly khác, điều cực khó đối với dân nghiệp dư.

Thực ra chuyện tìm đáp án chính xác dù chẳng có kiến thức gì vốn là sở trường của mình từ thời còn là học sinh sinh viên, thường xuyên phải làm bài kiểm tra trắc nghiệm. Cách đây mấy năm, mình đọc được bài báo nói về nam sinh đạt 10 điểm môn Lý thi tốt nghiệp, dù chỉ áp dụng chiêu “khoanh bừa toàn bộ đáp án A“. Đây cũng là chiến thuật của mình ngày xưa: chọn 1 cột duy nhất với những câu mình hoàn toàn không biết trả lời, nhưng có điều em này còn kém hơn mình 1 chút: cách tối ưu hơn là luôn chọn cột C hoặc cột B. Khi ra đề, các thầy cô thường có tâm lý không muốn để đáp án đứng ở đầu (A) hoặc cuối (D), vì như thế có vẻ có quy luật, và với bộ não con người thì “ngẫu nhiên không được có quy luật“. Tương tự, ta có thể dùng những chiến thuật cơ bản của trò chơi Oẳn tù tì: nếu 2, 3 câu liền mình biết chắc đáp án là A, thì khả năng cao câu tiếp theo đáp án sẽ không phải A.

Một vài tuyệt chiêu khác của kỹ năng “giải trắc nghiệm“:

  1. Nếu bỗng dưng có một câu với lựa chọn “E. Tất cả các câu trên đều đúng” hoặc “E. Tất cả các câu trên đều sai“, hãy chọn đáp án này. Xác suất đúng thường cao hơn 20%.
  2. Nếu câu hỏi chỉ có 2 lựa chọn “Đúng” hoặc “Sai“, hãy chọn “Đúng”. Mấy ông thầy lười tưởng tượng ra mệnh đề sai lắm.
  3. Chọn đáp án dài nhất. Mất công viết dài thế thường là đúng. Ngoài ra, để viết một mệnh đề sao cho nó hoàn toàn đúng thường rất khó, đòi hòi phải dùng từ ngữ dài dòng, bao quát mọi trường hợp, còn viết 1 mệnh đề sai thì rất đơn giản.
  4. Những câu chứa chữ “thường“, “ít khi“, “xác suất cao…” thường là đúng, những câu “chắc chắn“, “luôn luôn“, “không bao giờ“… thường là sai.

Các bạn thấy đấy, chọn bừa đáp án trắc nghiệm có vẻ hoàn toàn ngẫu nhiên, hên xui, đỏ đen. Nhưng tương tự oẳn tù tì, và cũng giống như poker, hãy nhớ luôn có một phần người, chứ không phải đơn thuần là máy, và nếu áp dụng tâm lý học, ta sẽ có cách tối ưu kết quả. Điểm trừ lớn nhất của những phương pháp này là nó sẽ khiến ta đúng hơn, điểm cao hơn so với sự xứng đáng, gây ra ngộ nhận, khiến ta có vẻ thông minh, hiểu biết hơn sự thực, đặc biệt là với bản thân chính chúng ta.

1 Comments G-Dragon là thằng nào??

  1. Pingback: Tự do được làm một kẻ ngốc - Jul Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *