Top 1%

Mình mới đọc được bài viết này, thấy khá hay, khuyến khích người ta kiên nhẫn, chịu khó rèn luyện để tiến bộ. Thế nhưng, mình không đồng tình với quan điểm của nó, rằng để thành công phải thật xuất sắc trong 1 lĩnh vực. Dưới đây là 5 luận điểm của mình về ưu điểm của việc trở thành người đa năng thay vì thành chuyên gia:

  1. Khi bạn quyết định học 1 nghề, thực chất đó là 1 dạng đầu tư: bạn bỏ ra học phí, thời gian, công sức, chi phí cơ hội, với hi vọng rằng nghề nghiệp này sẽ đem lại cho bạn nhiều thứ hơn trong tương lai. Nhiều người muốn an toàn, chỉ tập trung vào luyện cho thật tốt 1 nghề. Nhưng như bất cứ lĩnh vực đầu tư nào khác, đa dạng hóa, phân bổ nguồn vốn là rất quan trọng. “Bỏ tất cả trứng vào 1 rổ” mới là rủi ro. Bạn không thể chắc chắn nghề này sẽ hợp với bạn. Liệu bạn có đủ khả năng, trình độ để theo đuổi nó đến cùng? 3 năm nữa, bạn có còn đủ đam mê? Bạn sẽ làm gì sau 10 năm hi sinh mọi thứ cho nó và bỗng nhận ra mình đã chọn sai nghề?
  2. Bài viết nêu vấn đề rằng chuyên gia đỡ lo bị thay thế bằng máy móc trong tương lai hơn dạng làng nhàng. Thế nhưng, theo thống kê của Burning Glass, nghề lai ghép (đòi hỏi kỹ năng của nhiều lĩnh vực) có ít nguy cơ bị tự động hóa hơn nhiều so với nghề truyền thống (12% so với 42%). Những nghề này cũng thường được trả lương cao hơn từ 20-40%. Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh như Covid, sự thay đổi của xã hội nói chung cũng có thể dẫn đến việc lĩnh vực bạn chọn bỗng dưng không còn được ưa chuộng nữa, và đó là lúc bạn cần 1 nghề tay trái dự phòng.
  3. Thực tế rất nhiều những sáng tạo, những cuộc cách mạng lớn thay đổi 1 ngành nghề đến từ 1 nhân vật ngoại đạo: iPhone thay đổi ngành nhiếp ảnh, youtube thay đổi truyền hình, world wide web thay đổi ngành xuất bản, Amazon thay đổi ngành bán lẻ, và biết đâu, bitcoin thay đổi ngành tài chính. Hiểu biết trong nhiều lĩnh vực giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn, thay vì đi vào lối mòn. Bạn nhìn thấy những thứ mà đồng nghiệp, đối thủ không nhận ra, nhìn thấy những cơ hội, thiếu sót trong lĩnh vực của mình.
  4. Cuộc sống rất nhàm chán nếu bạn tự giới hạn trong những gì mình đã biết. Dành thời gian cho nhiều lĩnh vực, nhiều sở thích khác nhau giúp bạn cân bằng cuộc sống, hạnh phúc hơn, khai thác tối đa tiềm năng của bản thân.
  5. Cuối cùng, dù có muốn, bạn chưa chắc đã có thể trở thành chuyên gia. Bạn có thể tốn nhiều năm trời cũng chưa đạt đẳng cấp siêu sao, dù có khi chỉ vài tháng chuyên tâm đã đủ trở thành 1 người khá giỏi. Điều này càng đúng trong thời đại toàn cầu hóa. Nếu 3 thế hệ trước, chỉ cần là người giỏi nhất thị trấn, bạn đã có thể an tâm về một sự nghiệp ổn định, thì ngày nay, bạn phải cạnh tranh, đối đầu với 7 tỷ người. Thưở bé, mẹ bạn có thể nói với bạn: “Chỉ cần cố gắng, con có thể trở thành bất cứ gì con muốn“. Thế nhưng đó chỉ là câu chuyện cổ tích trẻ thơ. Trong cuộc đời có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Dù quyết tâm đến đâu, nhiều khả năng bạn sẽ không thể trở thành 1 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, 1 nữ hoàng cờ vua, 1 họa sĩ có tranh dự triển lãm, 1 tiểu thuyết gia best seller, hay 1 nhà nghiên cứu có bài đăng trên tạp chí khoa học. Ngay cả khi bạn thuộc nhóm thiên tài, hội tụ đủ năng khiếu bẩm sinh, ý chí, sự kiên trì, môi trường phù hợp, cùng 1 chút (hoặc rất nhiều) may mắn để trở thành top 1% của lĩnh vực bạn chọn, thì nỗ lực phải bỏ ra là rất rất nhiều, có khi đến mức ám ảnh, mọi phút, mọi giây, xâm chiếm trọn cuộc sống của bạn. Mình biết cảm giác ấy, vì đó là những gì diễn ra đối với mình những năm qua, trên con đường theo đuổi ước mơ trở thành người chơi poker giỏi nhất.

Trở thành chuyên gia top 1% của 1 lĩnh vực, không phải con đường duy nhất để đạt được thành công. Thậm chí, nó không phải con đường phổ biến nhất, cũng chưa chắc đã là con đường tối ưu nhất. Thay vào đó, bạn có thể trở thành top 10% của 2 lĩnh vực, top 20% của 3 lĩnh vực – điều dễ dàng, tốn ít thời gian, công sức gấp nhiều lần, vì qui luật hiệu suất giảm dần (diminishing return). Sau đó, vận dụng những hiểu biết, kiến thức tổng quát của mình để trở thành người giỏi hạng nhất trong bộ môn giao thoa giữa những lĩnh vực này. Chẳng hạn nếu bạn biết lập trình game và ưa đọc sách trinh thám, hãy thử làm những game truy tìm thủ phạm. Nếu bạn giỏi viết lách lẫn am hiểu về tài chính, có thể trở thành nhà báo kinh tế. Hoặc giỏi sư phạm và dinh dưỡng, fitness, có thể trở thành huấn luyện viên PT.

Hãy nhìn vào Lý Tử Thất, youtuber nổi tiếng của Trung Quốc. Cô có thể không giỏi trồng trọt, chăn nuôi bằng những người thợ, không phải đầu bếp của nhà hàng 5 sao, cũng không phải đạo diễn chính quy từng qua trường lớp nào. Thế nhưng bằng cách tổng hợp hiểu biết tốt về vùng thôn quê, tài lẻ làm vườn, nấu nướng, kỹ năng dựng cảnh, quay phim với chất lượng hình ảnh và âm thanh đầy tính nghệ thuật, tương tác tốt với follower trên mạng xã hội, cô đã tìm được thị trường riêng cho mình, đạt thành công vang dội với thu nhập 7 triệu USD mỗi năm.

Jordan Henderson, đội trưởng của Liverpool – đương kim vô địch Ngoại hạng Anh – được bầu chọn là cầu thủ hay nhất giải đấu mùa giải vừa qua. Anh không phải vua phá lưới như Jamie Vardy, không phải cây chuyền như De Bruyne, cũng không có khả năng phòng ngự cứu thua như đồng đội Van Dijk. Anh chẳng có kỹ năng gì quá xuất chúng, nhưng lại nổi lên như 1 đội trưởng thành công nhất lịch sử cận đại của Liverpool, là động lực thúc đẩy đội nhà, 1 hình mẫu hoàn hảo.

Linus Loeliger là người chơi poker giỏi nhất thế giới hiện nay, nhưng chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền bằng 1/10 so với Elton Tsang, 1 người chơi thua kém anh rất nhiều. Đó là bởi ngoài poker, Elton còn những bộ kỹ năng khác (chẳng hạn tiếng Tàu), những kỹ năng mềm, giúp anh quen biết, làm thân với nhiều đại gia tỉ phú người Hoa, và được mời tham gia game kín với họ. Ngay tại Việt Nam, mình biết có nhiều người có thể không giỏi bằng mình về poker, nhưng thu nhập từ poker vượt xa mình, vì lý do tương tự. Thay vì cảm thấy bất công, mình phải thừa nhận thực tế rằng, đó là vì họ giỏi hơn mình ở nhiều lĩnh vực khác. Cũng giống như đừng thấy bất công nếu sếp của bạn kém xa bạn về mặt chuyên môn, ông ấy/bà ấy nhiều khả năng sẽ giỏi hơn bạn ở tài lãnh đạo, bán hàng, quản lý, đàm phán, quan hệ khách hàng, và nhiều mặt khác.

Một số bạn có thể thích thú với bài viết phản biện của mình, và dùng nó để biện hộ cho việc ngừng cố gắng, “biết một chút là đủ“. Thế nhưng, còn 1 vài điều cần chú ý:

  • Quan niệm “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” thực ra vẫn đúng, nếu bạn không biết cách kết hợp vốn hiểu biết của từng lĩnh vực riêng này với nhau. Chỉ khi biết chồng xếp, bù đắp, bổ trợ những bộ kỹ năng cho nhau, bạn mới trở thành 1 người tài giỏi hiếm hoi như 1 chuyên gia đầu ngành.
  • Sẽ tốt nhất nếu các bộ kỹ năng của bạn thuộc về những lĩnh vực không quá giống nhau. Trở thành 1 nhà vật lý học giỏi toán không đem lại cho bạn nhiều lợi thế. Nhưng nếu là 1 nhà vật lý học giỏi thuyết trình, giỏi diễn giải cho công chúng, bộ kỹ năng của bạn có thể sẽ được săn đón. Thông thường, tốt nhất nếu các lĩnh vực bổ trợ của bạn thuộc về 2 phạm trù ngược nhau: bán cầu trái (tư duy, logic, giải quyết vấn đề) và bán cầu phải (nghệ thuật, cảm xúc, kỹ năng mềm), để tận dụng hết những gì bạn được sinh ra. Dân kỹ thuật sẽ thành công hơn nếu có khả năng giao tiếp, truyền đạt tốt hơn, còn dân xã hội cũng sẽ tránh được nhiều thất bại nếu hiểu một chút về toán học, xác suất, xử lý dữ liệu.
  • Cuối cùng, bạn không cần quá giỏi trong từng lĩnh vực, nhưng phải đủ giỏi để ít nhất nhận ra mình đang ở đâu (xem lại bài viết trước của mình về hiệu ứng Dunning Kruger). Muốn thành lãnh đạo “quản lý những người giỏi hơn mình“, bạn phải đủ khiêm tốn, nhún nhường để thấy rằng họ giỏi hơn bạn ở lĩnh vực chuyên môn của họ, để lắng nghe thay vì áp đặt quan điểm của bạn.

Tham khảo:

2 Comments Top 1%

  1. Tấn

    Em đồng ý với anh.
    Càng phát triển, lằn ranh giữa các khái niệm, lĩnh vực… càng nhạt nhòa. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” không còn là điều hiển nhiên nữa, các cá nhân có nển tảng đa dạng, thích ứng tốt sẽ khó bị đào thải và linh động hơn trong thế giời nhiều thay đổi này.

    Reply
  2. Erik Pham

    Em hiểu tạm là như thế này. Có 2 khái niệm đang không đc định nghĩa rõ ở đây, đó là “nghề” và “kỹ năng”. Để làm tốt một nghề, có thể chỉ cần 1 kỹ năng (ví dụ: nghề “chơi poker chuyên nghiệp”) hoặc cần nhiều kỹ năng (ví dụ: nghề “mua vui cho đại gia bằng poker”). Mình có thể chọn nghề cần 1 hay nhiều kỹ năng, nhưng để tồn tại thì cần phải có đủ kỹ năng để lên top của nghề đó. Vậy em nghĩ bài viết của anh Jul và bài chia sẻ trên cafebiz thực ra k nhìn về cùng 1 vật, Anh Jul nói về kỹ năng, cafebiz nói về nghề

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *