Ngày Tết, đang ngồi chơi với vợ và chó thì hàng xóm hoá vàng, khói nghi ngút xộc qua cửa vào tận phòng. Nhìn từng xấp tiền đô âm phủ đang cháy thành than, mình chợt nảy ra suy nghĩ: Dưới cửu tuyền, chắc lạm phát khủng khiếp lắm. Với lượng tiền khổng lồ được bơm vào nền kinh tế mỗi dịp lễ Tết, mùng 1, rằm, Thanh Minh, Phật Đản, Trung Thu, xá tội vong nhân… tình hình cõi âm chắc hỗn loạn không khác gì ở Zimbabwe. Không biết các cụ có phải bê cả bao tải tiền tỉ tỉ đô âm phủ mỗi lần muốn đi mua khẩu trang và nước tiệt trùng hay không, nhỡ dính Covid thì “chết“.
Bạn có thể nghĩ, tiền thì có thể lạm phát, trở thành giấy lộn, chứ vàng thì luôn giữ giá, vì nó có giá trị nội tại. Vậy nên yên tâm đi, ta chỉ việc đốt thêm vàng bạc kim cương cho các cụ. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Vàng, tự bản thân nó không có quá nhiều giá trị, dù nó cũng được ứng dụng 1 chút trong công nghiệp, và được ưa chuộng làm trang sức. Giá trị lớn nhất của vàng, lý do chính khiến vàng trở thành chuẩn mực trong nền kinh tế, là vì vàng rất hiếm, và rất khó tạo ra thêm. Không có một thứ hàng hoá tự nhiên nào có tỉ lệ stock-to-flow (giữa trữ lượng hiện có và lượng tạo ra mới hàng năm) lớn như vàng, có nghĩa rằng bạn có thể yên tâm chiếc nhẫn vàng của bạn vẫn rất quý hiếm sau 10 năm nữa, vì lượng vàng trên thị trường sẽ khó có thể tăng đột biến. Việc nhiều người thích đeo vàng cũng chẳng phải vì vàng đẹp, mà vì vàng hiếm, cũng giống như người thổ dân đeo trang sức làm bằng nanh hổ, vỏ sò. Trong lịch sử, biết bao nhà giả kim đã thử tìm cách điều chế vàng, và trớ trêu thay, nếu họ quả thực thành công tạo ra vàng từ chì, thì giá trị của vàng cũng mất đi, và công trình nghiên cứu của họ cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa. Đốt vàng, hột xoàn, đá quý cho cõi âm cũng giống như việc làm của những nhà giả kim ấy, không thể khiến tổ tiên chúng ta giàu sang hơn.
Vậy còn Bitcoin thì sao – thứ tài sản, tiền tệ có trữ lượng ổn định, tránh lạm phát tốt nhất hiện nay? Hay là ta đốt trezor, ledger nano S? Một lần nữa, ý tưởng này đi ngược lại bản chất của bitcoin. Bitcoin quý giá như vậy, một phần lớn cũng vì nó hiếm, vì khác với đồng tiền quản lý bởi nhà nước (thích thì đổi tiền, in thêm bất cứ lúc nào), không ai có thể tạo mới tuỳ hứng, làm ảnh hưởng đến trữ lượng bitcoin trong thị trường. Bạn có thể yên tâm rằng 1 đồng bitcoin của bạn, 20 năm nữa vẫn rất hiếm. Vậy nếu như cõi dương có thể tuỳ ý bơm thêm bitcoin – hay bất cứ thứ vật phẩm, tài sản vật chất nào khác – xuống cõi âm, nó sẽ hoàn toàn đánh mất giá trị.
Nếu sau này có con, mình không mong muốn để cho con thừa kế thật nhiều tiền của, “sinh ra ở vạch đích“, mà muốn cho con một sự giáo dục tốt, để con có suy nghĩ chín chắn, hiểu biết, cùng ý chí để có thể tự lập, tự làm giàu. Tương tự, khi chết đi, mình cũng không trông mong sẽ nhận được tiền bạc của cải con cháu đốt cho, vừa tốn kém, vừa hại môi trường, vừa vô nghĩa. Thay vào đó, trong lúc sống, mình cố học hỏi để có kiến thức tốt hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, rèn luyện ý chí, để lúc xuống cõi âm có thể tự mình xây dựng lại “cuộc sống” (chẳng hạn như, vô địch Underworld Series of Poker). Đó mới là những thứ tài sản trường tồn, mới là sự giàu sang thực sự không bao giờ mất giá.