Một vài người từng thắc mắc với mình: “Tại sao lại dạy poker? Tại sao chia sẻ (nhiều khi miễn phí) những kiến thức quý báu mà mình đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc mới tích lũy được? Tại sao lại tạo nên những đối thủ cạnh tranh trực tiếp?“. Có người thì dè bỉu “chơi kém thì mới đi dạy, chơi giỏi thì đã giữ bí quyết mà tập trung kiếm tiền rồi“. Câu hỏi này xem ra rất hợp lý (đặc biệt sau mỗi lần mình bị các học trò xiên trên bàn poker). Nhưng đó là nếu ta nhìn mọi thứ như 1 trò chơi zero sum (tổng bằng không), ở đó phần thắng của mình chính là phần thua của người khác và ngược lại. Nếu tầm nhìn của ta chỉ ở miếng bánh thị phần trước mắt, thì rõ ràng chà đạp, tiêu diệt mọi đối thủ chính là cách tốt nhất để tối ưu hóa lợi nhuận. Thế nhưng, mọi thứ thay đổi nếu ta nhận ra miếng bánh có thể lớn lên.
Nếu thấy hàng xóm mở quán “hủ tiếu mực Ông Già” đắt khách, thay vì cũng lập một quán y chang rồi đặt tên “Ông Già chính gốc“, cho nhân viên tràn ra đường chèo kéo, bạn có thể mở một quán kem, một tiệm giải khát, hoặc một bãi đỗ xe… cộng sinh cùng phát triển. Khi Linus Torvalds chế tạo ra hệ điều hành Linux, thay vì giấu kín bí quyết rồi tìm cách kinh doanh kiếm lời, ông đã công bố hoàn toàn mã nguồn, để cộng đồng có thể tự do học hỏi, góp sức phát triển. Nhân Linux được 12000 lập trình viên chung tay đóng góp, đưa nó trở thành 1 trong những hệ điều hành phổ biến bậc nhất (500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay đều chạy Linux). Firefox, WordPress, Bitcoin, Wikipedia… là nhiều ví dụ khác trong ngành IT về thành công đến từ sự “mở“.
Hãy nhớ, không phải bài toán nào cũng là zero sum. Khi bạn mua một mớ rau ngoài chợ, đó không phải là cuộc chiến giữa bạn và người bán hàng xem ai giỏi mặc cả hơn. Cả 2 có thể là người chiến thắng: người bán hàng cần tiền hơn mớ rau, còn bạn thì ngược lại. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty, họ có thêm vốn làm ăn, còn bạn kiếm được nguồn thu nhập thụ động. Nếu bạn muốn đi Phú Quốc tắm biển, còn người yêu muốn đi Sa Pa leo núi, chọn giải pháp trung hòa đi Đà Nẵng cùng nhau có thể sẽ tốt hơn cho cả 2 thay vì đi riêng 1 mình.
Quay trở lại với poker – một bộ môn ngỡ như hoàn toàn zero sum. Đúng là tiền bạn ăn trên bàn đến từ túi đối thủ, nhưng bạn vẫn có thể biến nó thành trò chơi positive sum. Một doanh nhân tìm đến bàn poker đâu phải vì tiền, mà để giải trí, để thử thách bản thân. Vậy nếu bạn “bán” cho anh ta điều anh ta muốn: trò chuyện vui vẻ trên bàn thay vì giữ bộ mặt poker face lạnh tanh, hành động nhanh hơn thay vì câu giờ, bỏ qua thay vì rình bắt khi họ mắc những lỗi nhỏ không cố ý, ngừng than vãn bad beat, ngừng chửi rủa lớn tiếng với dealer… bạn có thể góp phần khiến mỗi người tham gia đều hài lòng với kết quả, trải nghiệm đạt được. Tương tự, các CLB poker ở Việt Nam thay vì tìm cách tăng phí, nâng stakes, cố gắng “làm sao vắt kiệt người chơi nhanh nhất, nhiều nhất có thể“, dùng chiêu trò triệt tiêu đối thủ cạnh tranh, thì có thể áp dụng những kế hoạch mang tính lâu dài, bền vững hơn. Chẳng hạn cùng nhau cộng tác, phát triển cộng đồng, phổ cập bộ môn poker đến nhiều người hơn, giáo dục tư duy cho người chơi lành mạnh hơn, thay đổi cái nhìn của xã hội đối với poker. Còn với từng top pro, thay vì hài lòng với việc là người giỏi nhất của một vùng trũng, làm thằng chột ở xứ mù, thì ta có thể nuôi ước vọng vươn tới tầm thế giới bằng cách tạo nên một nhóm những người có trình độ, tư duy ngang ngửa nhau, cạnh tranh lành mạnh, chỉ ra điểm thiếu sót của nhau, hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau cùng tiến bộ. Chính những người đả phá việc chia sẻ kiến thức cũng thường là những người giậm chân tại chỗ, bị cô lập trong lối mòn suy nghĩ, dần dần thụt lùi và bị đào thải.
Newton từng nói: “Tôi nhìn xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ“. Đó không chỉ là những người khổng lồ đi trước thuộc thế hệ trước, mà cả những người khổng lồ đang đi cùng chúng ta. Đôi khi chia sẻ, cảm thông, cộng tác với những người tưởng chừng là đối thủ, sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho tất cả.