Sự Tôn Trọng

Trên một chuyến bay từ Đà Nẵng về Sài Gòn, ngồi kế bên vợ chồng mình là 1 sư cô trẻ tuổi. Cô mặc chiếc áo nâu điển hình của người tu hành, tay phải là đồng hồ Longines, tay trái lắc vàng, 2 bên tai đeo Jabra Elite True Wireless, đầu đội mũ lông Gucci. Khi máy bay đang hạ cánh, cô bật 4G trên chiếc iPhone 12 lên, mở Zalo và chat, thả emoticons. Mình bức xúc lắm, vì thời điểm máy bay chuẩn bị hạ cánh và cất cánh là nguy hiểm nhất, nhưng vừa định lên tiếng thì vợ đã cản lại. Vợ mình sợ phiền phức, khuyên mình nên tôn trọng những người tu hành, giống chị tiếp viên và những người xung quanh luôn lễ phép lịch sự với sư cô. Tuy nghe lời vợ, nhưng mình vẫn ấm ức, và về đến nhà rồi cứ nghĩ mãi về sự tôn trọng. Theo mình, chúng ta nhiều người đang hiểu lầm ý nghĩa của từ này.

1. Kính lão đắc thọ

Từ bé, chúng ta đã được dạy phải tôn trọng người lớn tuổi. Dần dần, nó ăn sâu vào tiềm thức, vào thói quen, nhất là trong văn hóa Á Đông đặt nặng tôn ti trật tự, thứ bậc. Nhưng tại sao ta phải tôn trọng 1 người chỉ vì họ sinh trước ta? Vì họ già cả yếu ớt? Không phải, đó là thương hại, không phải tôn trọng, nếu không ngôn ngữ đã có cụm từ “kính trọng người tàn tật“. Cái chúng ta thực sự tôn trọng là kinh nghiệm, sự thông thái, tri thức, sáng suốt, chứ không phải tuổi tác. Đúng là người già thường có những đức tính này, nhờ họ từng trải nhiều thời gian hơn ta, tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Ta nên mặc định tiếp cận 1 tiền bối với sự tôn trọng, vì xác suất cao ông ta đáng tôn trọng, nhưng khi tiếp xúc và có thêm thông tin, chẳng hạn đầy những người lớn tuổi mà nông nổi, sân si, thiếu hiểu biết, chẳng việc gì ta phải tôn trọng họ. Ngược lại, nếu thấy những người trẻ nhưng trưởng thành, chín chắn, với vốn kiến thức phong phú, vững vàng, ta nên dành cho họ sự tôn trọng mà họ đáng nhận được, dù theo “cấp bậc” thông thường, họ ở dưới ta.

2. Khi quân phạm thượng

Suốt hàng thế kỷ, người dân đã bị nhồi sọ tư tưởng rằng ta phải tôn trọng người có chức quyền. Chỉ cần lỡ lời, thấy mà không quỳ, không chắp tay vái lậy, người ta có thể dễ dàng bị kết tội. Giờ đây hình thức phong kiến quân chủ đã bị bãi bỏ, nhưng vẫn còn nhiều nơi duy trì chế độ hoàng gia, chẳng hạn nếu bạn đăng clip chỉ trích vua Thái Lan, bạn có thể bị đi tù tới 43 năm. Nhưng tại sao ta phải tôn trọng 1 người chỉ vì họ sinh ra trong hoàng tộc? Mở rộng ra, tại sao ta phải tôn trọng con của thủ tướng, cháu của bộ trưởng, em của bí thư, vợ của giám đốc? Cái chúng ta tôn trọng ở 1 người không phải việc họ là ai, mà là ở những hành động, lời nói, lựa chọn của họ.

Nếu mình đi du lịch sang Thái Lan, mình sẽ cố giữ mồm giữ miệng, thậm chí quỳ lạy khi gặp hoàng thân quốc thích. Nhưng hành động đó của mình với hoàng gia, và với những người có chức có quyền nói chung, là để tránh rắc rối chứ không phải sự tôn trọng. Giống như việc mình khép nép kín miệng khi đi ngang qua 1 tay anh chị nghiện ngập, tránh bị cáo buộc “nhìn đểu“. Những người có chức quyền sẽ chỉ giành được sự tôn trọng thực sự, nếu họ dùng sự may mắn, quyền lực, quan hệ của mình để thực hiện những công việc thiện nguyện hay những dự án lớn lao, vĩ đại đáng khâm phục, chứ không phải đơn thuần hưởng thụ cuộc sống nhung lụa.

3. Kính trọng tôn giáo

Thiền sư Thích Nhất Hạnh mới viên tịch hôm qua, và khắp nơi trên thế giới, người ta khóc thương, luyến tiếc, bày tỏ sự kính trọng, ái mộ đến ông. Thế nhưng họ kính trọng ông không phải vì ông là 1 nhà sư, mà vì những di sản ông để lại, những phong trào vì hòa bình, những tư tưởng, bài học ông truyền bá. Ngược lại, 1 “thợ cúng” như thích trúc thái minh, trụ trì chùa ba vàng (cùng nhiều nhà sư khác trong thời mạt pháp), hay hàng nghìn giáo sĩ vướng vào các vụ ấu dâm trong nhà thờ chỉ đem lại cho mình sự khinh bỉ.

Không có lý do gì ta phải tôn trọng 1 người, chỉ vì họ khoác lên mình chiếc áo tu. Một lần nữa, ta tôn trọng 1 người không phải vì họ là ai, mà vì họ đã làm những gì. Đúng là những cha xứ, nhà sư thường đạo mạo, từ bi, vị tha, hết lòng vì chúng sinh. Ít ra, họ từng được như thế, vì vậy cách tiếp cận mặc định của chúng ta với họ là dựa trên sự tôn trọng, vì xác suất cao họ là những người đáng nhận được sự tôn trọng. Nhưng nếu giáo hội Phật giáo và Thiên Chúa giáo không sớm chấn chỉnh, để cái xác suất ấy giảm dần, giảm dần qua thời gian, sẽ đến 1 lúc ta không cần (và không nên) mặc định dành sự tôn trọng cho những người tu hành nữa, mà để họ phải phấn đấu, chứng minh cho ta thấy họ xứng đáng với sự tôn trọng ấy.

Trên chuyến bay kia, có lẽ vợ mình đúng khi ngăn mình “gây chuyện” với sư cô. Tôn giáo vẫn là 1 lĩnh vực nhạy cảm, và nhiều người có thể sẽ cảm thấy xúc phạm nếu mình chỉ trích sư cô, cứ như mình đang xúc phạm tín ngưỡng của họ (do họ không phân biệt được giữa tôn giáo, và những người đại diện tôn giáo). Ta không nên chỉ trích niềm tin của 1 người, dù họ mê tín dị đoan, ngớ ngẩn đến thế nào, nhưng lý do chính là để tránh rắc rối (rất khó tranh luận phải trái với những người không nghĩ bằng đầu mà bằng trái tim, không tin cứ hỏi mấy chiến binh thánh chiến cực đoan đạo Hồi), chứ không phải vì ta “tôn trọng đức tin” của họ.

4. Thượng tôn pháp luật

Luật pháp được tạo ra bởi con người, thường là những người thông minh, uyên bác, nên đại đa số trường hợp nó đúng với đạo lý, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Nhưng cũng vì tạo ra bởi con người nên nó không hoàn hảo. Rất nhiều trường hợp luật pháp lỗi thời (chẳng hạn Pháp có luật cấm phụ nữ mặc quần cho tới tận 2013), vô lý (bang Victoria ở Úc cấm người dân thay bóng đèn điện nếu không có giấy phép), bất tiện (Turin, Ý phạt 500 euros nếu không cho chó đi dạo ít nhất 3 lần 1 ngày), sơ hở (một nước nào đó chỉ phạt tối đa 1.5 tỷ đồng cho hành vi giao dịch chứng khoán nội gián), nực cười (bang Arizona cấm cho lừa vào trong bồn tắm sau 7h tối), bất công (phụ nữ không được lái xe hoặc sở hữu tài khoản ngân hàng ở Ả Rập Xê Út, không được ly dị ở Israel, không được thừa kế ở Tunisia). Và thậm chí vô nhân đạo (Brunei cho ném đá người đồng tính đến chết).

Xin tái khẳng định, ta luôn nên tuân thủ luật pháp nước sở tại. Nhưng lý do chính, lại 1 lần nữa, là để tránh rắc rối, còn trong thâm tâm ta có nên tôn trọng điều luật ấy hay không lại là chuyện khác. Có thể nhiều người sẽ thấy khó chịu với suy nghĩ này, vì họ đã quen với đường lối “thày cô giảng, trò học thuộc, cấm cãi” suốt từ thời thơ ấu, theo họ “cứ im lặng mà răm rắp tuân lệnh đi, thắc mắc gì?”. Nhưng giờ đây bạn đâu phải là 1 cậu học trò nữa, bạn trưởng thành rồi, hãy tập tư duy phản biện, tự vấn, phân biệt đúng sai, suy nghĩ thấu đáo thiệt hơn về lý do tại sao 1 bộ luật được đưa ra, nó dẫn đến những hệ lụy gì, có gì cải thiện được không? Bước đầu tiên để dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc, là thói quen dám đặt câu hỏi, mọi lúc mọi nơi.

5. Tôn trọng ý kiến cá nhân

Nhiều người rất thích dùng luận điểm “mỗi người 1 ý, không ai đúng không ai sai, hãy tôn trọng ý kiến cá nhân của tôi, tôn trọng sự khác biệt” để tránh phải bảo vệ luận điểm của họ. Đúng là có những quan điểm hoàn toàn mang tính cá nhân, chẳng hạn món ăn nào ngon, phim nào hay, có muốn sinh con không, nên về quê hay ở lại thành phố… Nhưng ngược lại có rất nhiều ý kiến liên quan đến 1 sự thật khách quan, ở đó luôn có người đúng hơn, quan điểm có xác suất cao gần với sự thật hơn. Bạn không thể cầm 72o call all in rồi nói “mỗi người 1 cách chơi” khi bị kêu là đánh dở. Bạn tin vào các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, dù viện pháp y quân đội giám định DNA cho tỉ lệ chính xác cỡ 0%. Bạn khăng khăng “không tiêm vắc xin cho con vì dễ bị biến chứng tự kỷ” bất chấp đầy rẫy các nghiên cứu khoa học đã phản bác luận điểm này, rồi bực dọc khi bị chê cười, “không được tôn trọng ý kiến“.

Thật ra, tranh luận với 1 người, không có nghĩa ta không tôn trọng họ. Tôn trọng 1 người đồng nghĩa với việc đánh giá rằng họ là người có lý trí, có đủ kiến thức để thực hiện những cuộc tranh luận lịch sự, hữu hảo, nhằm cùng nhau tìm ra sự thật. Tin rằng họ đủ cởi mở để đón nhận ý kiến trái chiều, đủ bình tĩnh để lắng nghe những lời phê bình. Tin rằng khi đứng trước những bằng chứng, luận điểm xác đáng, họ sẽ đủ hiểu biết để nhận ra cái sai, đủ dũng cảm để thừa nhận sai lầm. Đôi khi trong lúc tranh luận, mình cũng sẽ dừng lại, “chấp nhận sự khác biệt“. Nhưng nó là để tránh rắc rối, đỡ mất công, tốn thời gian, khi nhận ra đối phương không có đủ khả năng thực hiện một cuộc tranh luận đúng nghĩa, chứ không phải vì tôn trọng ý kiến của anh ta.

6. Kết luận

Bài viết rất dài này không phải nhằm mục đích khiến bạn vứt bỏ sự tôn trọng, hành xử ngổ ngáo, lỗ mãng. Trái lại, sự tôn trọng theo mình là 1 cảm xúc cực kỳ quý giá, đáng trân trọng, và cũng chính vì thế, ta không thể hời hợt đem trao cho những người không xứng đáng. Hãy hiểu về nó hơn, và chắt chiu dùng nó sao cho đúng nơi, đúng lúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *