(Xem Phần 1)
Sau khi ở nước ngoài mười mấy năm, có nhà cửa, công ăn việc làm đóng thuế đàng hoàng, mình được nhập quốc tịch Pháp. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cuối cùng của mình với poker. Mình biết rằng sẽ cần đi du đấu thường xuyên ở nước ngoài (Macao, châu Âu, Las Vegas…), chứ chỉ ở Việt Nam thì không ổn (do khi đó poker ở nước ta chưa được hợp pháp hóa). Hộ chiếu nước ngoài sẽ giúp công đoạn này dễ dàng hơn nhiều. Ngay khi nhận được quyết định từ bộ Nội vụ Pháp, ngày hôm sau, mình nộp đơn nghỉ việc, chuẩn bị về nước (sống ở Việt Nam vẫn xướng hơn [2], ít nhất là các chị em gái xinh hơn). Do đang là trụ cột công ty, nên mình được đề nghị mở chi nhánh, làm việc từ xa (đặc quyền rất hiếm ngày trước, bây giờ hậu Covid thì phổ biến hơn). Sống ở Việt Nam, nhận lương Pháp, trai độc thân, công việc thì nhẹ nhàng tự do làm chủ (đúng kiểu vác laptop cùng cục phát 3G ra bãi biển làm), thời kỳ mới về nước với mình đúng thiên đường.
Mình tìm hiểu thêm trên mạng về tình hình poker tại Việt Nam, và nhận thấy có 3 nguồn chính:
- PokerEmbassy và 1 vài forum nhỏ: tụ tập những người chơi poker đầu tiên của Việt Nam, chủ yếu là online hoặc home game underground. Thế nhưng đọc qua thì mình thấy chất lượng chuyên môn khá thấp, đa số là tự phát, không bài bản. Vẫn còn tư duy kiểu cờ bạc đỏ đen máu me, than vãn bad beat, nghi ngờ Pokerstars bịp (vì KK all in bị Ax vào xiên nhiều quá), vv…, nên mình không thích lắm.
- Đọc hết gần nghìn bình luận trong chủ đề về Việt Nam trên TwoPlusTwo (forum poker lớn nhất thế giới), chủ yếu là expats, Việt Kiều, khách du lịch đến Việt Nam. Nhóm này thường chơi ở casino hợp pháp. Chơi với Tây suốt nhiều năm rồi nên mình muốn đổi gió, với lại cũng đang muốn tìm hiểu về phong trào poker của dân Việt Nam, nên nửa năm đầu mình không chơi với nhóm này.
- Cuối cùng là thấy 1 bài post facebook rủ về nhà chơi tour tự tổ chức của anh Vi Khoa, đọc qua thấy có vẻ phù hợp theo kiểu chơi poker vì vui, vì yêu thích, chứ không phải chặt chém máu me. Tình cờ nhà anh Khoa ngay gần nhà mình, nên ngay chiều hôm đó mình ghé qua chơi (tour vui thôi nhé, búng tai , không cờ bạc ăn tiền gì nhé). Đó là lúc mình làm quen được với những nhân vật đầu tiên trong giới poker Sài Gòn: anh Phạm Bảo, Danh đen, Duy Anh, anh Tùng cận…
Vậy là nửa năm đầu, trên lý thuyết mình vẫn là dân IT full time, thời gian rảnh thì đi phượt hoặc đánh poker giao lưu với 1 vài nhóm bạn dân chứng khoán, quỹ đầu tư, FPT, nhóm của anh Khoa… Cho đến 1 ngày, mình (vốn thích chạy) đọc được cuốn “What I talk about when I talk about running” của Haruki Murakami (tác giả Rừng Nauy và nhiều tác phẩm kinh điển khác). Murakami kể về thời kỳ trước khi trở thành nhà văn, ông đang làm chủ 1 club jazz ngay trung tâm Tokyo, thu nhập tốt, đều đặn. Suốt 3 năm trời, hàng ngày ông vẫn quản lý nhân viên, kiểm hàng, kiểm bếp, rồi đến tảng sáng khi club đóng cửa thì về nhà, viết truyện như hobby, nghề tay trái, dù rất mỏi mệt, buồn ngủ. Thế rồi ông quyết định đóng cửa club, bất chấp sự phản đối của người thân, để chuyển sang làm tiểu thuyết gia, dù thời điểm đó, thu nhập từ nghề viết của ông chẳng đáng là bao. “Tôi là dạng người phải toàn tâm toàn ý vào bất cứ việc gì mình làm. Nếu đã cố hết sức mà thất bại, ít nhất tôi có thể chấp nhận rằng khả năng của mình chỉ có thế. Nhưng nếu chỉ hời hợt qua loa, chân trong chân ngoài, không cố hết sức mình, tôi sẽ luôn có những nuối tiếc giá như, biết đâu… cho đến cuối đời“. Những tự sự này của Murakami khiến mình rất đồng cảm, vì mình cũng là kiểu người nếu đã quyết làm gì thì phải toàn tâm toàn ý. Sự chuẩn bị cho poker của mình đã rất đầy đủ, nhưng mình vẫn chưa go pro, có lẽ vì trong tâm trí mình vẫn phần nào tiếc nghề IT đang thu nhập khá, thoải mái, “don’t fix what’s not broken“. Giống như trong câu chuyện “giết con bò“ quen thuộc trong kinh doanh, làm sao có thể mơ ước vươn tới đỉnh cao nếu không dám mạo hiểm, cứ quanh quẩn trong vùng an toàn? “Người ta thường tiếc nuối những điều mình không làm, hơn là điều đã làm“. Murakami đã xin vợ cho 2 năm thử sống bằng nghề viết, còn mình đang độc thân, không có ai phụ thuộc, mọi quyết định trong cuộc sống là của mình, thì sao còn chần chừ? Và thế là, nửa năm sau khi về nước, mình đóng cửa công ty, cho nhân viên nghỉ việc, chính thức trở thành người chơi poker chuyên nghiệp, 100% sống bằng thu nhập từ poker.
Bước đầu tiên là kiếm ít tiền tiêu hàng tháng, và vì mình không muốn làm gì bất hợp pháp, nên chọn ra khách sạn New World (đường Lê Lai quận 1) đánh với nhóm expats, Việt Kiều nêu trên (nhờ có quốc tịch Pháp nên mình được vào casino chơi). Casino ở đây có rất nhiều máy, nhưng chỉ có 1 bàn poker duy nhất $2/5, rất thú vị: cả chiếc bàn giống như chiếc tablet khổng lồ, mỗi người chơi lại có 1 màn hình điều khiển nhỏ hơn để nhìn 2 lá bài của mình và thực hiện các thao tác như đánh online. Cá nhân mình cực kỳ thích chơi kiểu này, vì nó kết hợp được những cái hay nhất của cả online lẫn live: vẫn nhìn được nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của đối thủ, trò chuyện tán gẫu bình thường, đồng thời tốc độ trận đấu rất nhanh (cả làng fold là chuyển ván mới ngay, không mất thời gian chờ dealer xào bài), nhìn được các chỉ số như pot size, stack size dễ dàng, không cần đếm, mỗi người có time bank 40s, khỏi lo ông nào cà kê câu giờ. Dù rake ở đây rất cao (3% không cap), nhưng game cực kỳ mềm, chủ yếu là khách du lịch say xỉn vào nướng tiền, cùng 1 vài bad reg Việt Kiều. Đội Việt Kiều ở đây quen nhau hết, thường là thợ đánh live ở Mỹ hoặc Canada, hàng chục năm kinh nghiệm (có những người sống bằng poker từ thập niên 90, thỉnh thoảng lại kể những mẩu chuyện về ngày xưa đánh với Scotty Nguyễn, TJ Cloutier, Johnny Chan…). Nếu muốn hiểu rõ hơn về những thăng trầm, cạm bẫy, cơ hội, bài học trong nghề poker, họ là những nguồn kinh nghiệm sống quý giá, nhưng về mặt kỹ chiến thuật trong poker, rõ ràng họ đã không theo kịp với sự tiến bộ của lý thuyết poker hiện đại. Ngày đầu tiên đến New World, giống như mọi game live khác, các bad reg đều đứng dậy nghỉ ngay khi khách du lịch cuối cùng ra về (với họ, poker giống như trò câu cá, chăn gà, hơi đâu ngồi xuống chơi nếu không có con mồi). Chỉ còn lại mình, và 1 đại cao thủ từng nhiều lần đoạt vòng vàng thế giới WSOP bem nhau heads up (giống kiểu ma cũ kiểm tra xem ma mới thế nào). Kết quả của trận chiến, là mình thêm vững tin vào quan điểm “trong poker, kiến thức, tư duy quan trọng hơn kinh nghiệm“, và tự dặn mình không bao giờ được chủ quan ngủ quên trên chiến thắng, vì poker luôn thay đổi rất nhanh. “Đừng trở thành người như đại cao thủ kia“, sống mòn trong quá khứ, hoài niệm.
(còn tiếp)