Mình là 1 người tôn thờ chủ nghĩa sống tối giản. 15 năm trước, từ ngày đọc về thử thách “100 vật dụng” (chỉ sở hữu tối đa 100 đồ vật), mình luôn tinh giản đồ đạc hết mức có thể. Quy tắc bất biến: nếu muốn mua 1 thứ gì mới, thì phải bán đi, cho đi hoặc vứt đi 1 thứ cũ khác. Vợ mình thì ngược lại, 1 shopaholic điển hình, mồi ngon của các chiến dịch khuyến mãi:
- “Anh ơi mua cái đĩa này nhé, hoa văn đẹp quá“. “Nhà mình có bao nhiêu cái đĩa rồi em?“. “Hơn chục cái thôi“.
- “Euros đang rẻ, anh nhờ bạn bên Pháp mua hộ vali Rimowa đi, giảm giá 50% kìa“
- “Bánh này khuyến mại, mua 2 gói chỉ 400k“. “Thế bình thường bao tiền 1 gói?“. “Hình như 200k“.
Shopping, cũng giống như poker, về bản chất không có gì xấu. Vấn đề chỉ đến nếu bạn bị cuốn vào, cứ rảnh rỗi là lướt shopee, xem live stream bán hàng trên tiktok, mua những thứ không cần thiết, cứ ra mẫu nào mới là nhất định phải sở hữu bằng được. Thực tế đã có không ít người tán gia bại sản vì nghiện shopping nặng, và nhiều nhà khoa học đã xếp shopaholic vào 1 dạng bệnh lý. Các sàn poker online chính thống còn khắt khe, bắt người chơi chứng minh thu nhập bản thân, đặt ra giới hạn tối đa số giờ chơi, thấy ai có biểu hiện nghiện là nhắc nhở, còn các sàn thương mại điện tử thì ngược lại, thỏa sức dùng chiêu trò quảng cáo, “flash sale“, “săn deal“, “gợi ý hôm nay“, nghiên cứu theo dõi thói quen mua sắm của người dùng để ép người ta càng ngày càng lún sâu hơn. Black Friday dễ gây nghiện hơn Black Jack.
Việc 2 người trưởng thành trên 18 tuổi (theo luật pháp nghĩa là đủ hiểu biết, chín chắn để tự quyết định cuộc sống của mình) đánh bài giải trí, thực tế không ảnh hưởng đến ai. Vấn đề, giống trong shopping, chỉ đến khi người ta mê muội, mất kiểm soát bản thân, lạc mất lý trí, ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân, hạnh phúc gia đình. Còn bình thường nếu bầu Đức HAGL và Cường đôla muốn đánh với nhau 1 ván bài 100 triệu đồng, thì ngoài việc “không hợp pháp”, ai có thể nói hành động đó là xấu? Miễn 1 cá nhân chứng minh được họ không bị ảnh hưởng từ việc chơi poker, chẳng hạn thu nhập của họ nhiều hơn nhiều số tiền họ thua (nếu thua) từ poker, và thời gian họ dành cho poker cũng điều độ, thì khó có lý do logic nào để ngăn không cho họ chơi. Nghiện uống nước ngọt, nghiện ăn đồ chiên, hay nặng hơn là nghiện rượu, nghiện thuốc lá… đều là những hành động không kiểm soát được bản thân khác, ảnh hưởng cực lớn thậm chí đến tính mạng người tiêu dùng, mà lạ thay, không thấy pháp luật thèm quan tâm đến. Thế cho nên, khó có thể nói việc pháp luật cấm người ta chơi poker là hành động nhân nghĩa để bảo vệ người chơi hay gia đình họ, mà đơn giản là vì bảo vệ lợi ích của “ai đó” khác.
Mới thấy vài tờ báo đăng bài đả phá poker, công an TPHCM thì ập vào bắt giữ người chơi ở CLB cứ như bắt tội phạm (rồi được 1 hồi thì thả ra hết vì có ai phạm pháp đâu?), mình thấy thật là bất công! Không biết bao giờ luật pháp, báo chí, truyền thông mới mở chiến dịch witch hunt tấn công tổng lực vào những người shopaholic giống như vậy? Để lần sau nếu muốn ngăn vợ mua bộ váy thứ 50, mình chỉ cần bảo “em không đọc tuoitre.vn à? Như thế là không hợp pháp, công an bắt bây giờ!“
(Trong hình là toàn bộ tất cả đồ đạc của mình thời độc thân, 1 tháng trước khi bắt đầu date vợ)