Con đường Jul #GoPro (phần 5): những nỗi sợ

Sợ mất mát, sợ thất bại, sợ thua lỗ… là bản năng của con người, nhiều khi đến mức phi lý, thiếu logic. Người ta sẽ luôn cảm nhận về sự mất mát rõ ràng hơn cảm nhận về những khoản lời. Lý do là suốt quá trình tiến hóa, những loài vật dè dặt, “cẩn tắc vô ưu” sẽ dễ sống sót, duy trì nòi giống hơn những loài có xu hướng mạo hiểm. Đang đi 1 mình trong rừng mà thấy tiếng bước chân, cứ chạy trước, dù xác suất đó là 1 con sư tử (nguy cơ) có thể thấp hơn nhiều xác suất đó là 1 con nai (cơ hội).

Nỗi sợ mất mát trong poker

Nếu vừa vào 1 session cash, bạn ăn được 2 buy-ins, thường sẽ có xu hướng “hôm nay nghỉ sớm“, “hit and run” để bảo toàn cảm giác chiến thắng, cảm giác có lời, trong khi ngược lại, nếu đang lỗ, bạn có thể đánh từ sáng đến tối, với hi vọng “về bờ. Nhiều người chơi cash live có thói quen xếp phần chip đang lời tách biệt ra, kiểu như buy in 10 triệu, đánh lên 16 triệu thì thường sẽ để riêng phần 6 triệu đó sang 1 bên. Mình thường tấn công những người này ở các ván lớn, vì biết rằng nếu mình đẩy pot lên cao, vượt quá phần 6 triệu đó, xác suất cao họ sẽ fold.

Trong tournament cũng vậy, người ta chơi rất cẩn thận, chỉ mong vào tiền, để có cảm giác “lần đánh tour này thành công“, dù nếu chấp nhận mạo hiểm, đánh aggressive hơn, họ sẽ có cơ hội cao build stack, tranh đấu những thứ hạng top đầu. Khi rebuy, họ chỉ có suy nghĩ “làm sao lấy lại được buy-in cũ“, thay vì coi nó như 1 giải đấu mới [2]. Đầy người mua bảo hiểm, trả những giá phi lý, có thể coi là ngớ ngẩn, để tránh cảm giác “mất pot” [3]. Cầm bài mạnh, họ sẽ có xu hướng bet/raise thật lớn để “đuổi các nhà khác đi“, vì với họ, việc “lỡ để thua mất pot” đáng sợ hơn tiềm năng ăn được nhiều hơn nữa. Một số bạn mới chơi thậm chí còn có suy nghĩ “cầm AA mà thấy cả bàn 5 nhà all-in, tao cũng fold luôn“, vì “xác suất cao call vào sẽ thua“, và sẽ cảm nhận rõ nỗi buồn khi thua hơn niềm vui khi x5 tài khoản.

Một điều thú vị nữa của não người, là 1 khi ta đã thấy rõ sẽ thua, sẽ mất mát, lúc này ta lại sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm thua thêm nhiều nữa, với hi vọng mong manh “về bờ”. Đối với ta, niềm vui sướng khi “bơi” từ -10 triệu về +1 triệu, cảm giác phê hơn rất nhiều so với nỗi đau nếu lún sâu hơn từ -10 triệu thành -21 triệu. Nếu trên bàn có 1 đối thủ đang take shot (vốn chơi stakes dưới, đang thử leo lên bàn trên đánh, với bankroll không thoải mái, có khi chỉ đủ 1 buy duy nhất), mình thường tấn công họ, tìm cách bully, vì biết họ phải đánh rất chắc, rất cẩn thận. Nhưng nếu chơi được 1 lúc, họ thua mất nửa stack, thì lúc này tốt nhất nên tránh họ ra, vì họ đã cùng đường rồi, có khi họ sẽ sẵn sàng gamble nửa stack còn lại, vì khi số tiền quá lớn, trớ trêu thay họ lại không thể chấp nhận được việc mất đi một nửa buy-in đó, và sẽ làm tất cả để tìm cách “đòi lại”.

Dù là 1 người rất lý trí, cũng như có học hành, hiểu sâu về những vấn đề này, bản năng của mình vẫn như đại đa số bất cứ người nào khác, cũng sợ thua, sợ mất mát, sợ rủi ro. Ai chơi với mình giờ đây thấy mình đánh rất aggressive, chả ngại gì chuyện bluff mất mạng, rejam A2o hàng chục bb, hay call all in với Q-cao, có thể nghĩ mình là 1 người liều lĩnh. Nhưng thực ra, bản tính của mình cực kỳ cẩn thận. Đó là 1 trong những lý do chính, khiến mình tiến khá chậm trong sự nghiệp poker. Suốt thời gian dài, mình luôn chơi ở mức stakes nhỏ hơn rất nhiều so với bankroll, ở những game kém hơn rất nhiều so với trình độ. Mình từng chia sẻ về việc vài năm đầu chơi poker, không có bất cứ tháng nào thua. Điều này nghe qua tưởng hay, nhưng chỉ cho thấy, mình đã quá dè dặt với quản lý bankroll, take shot và move up stakes. Nếu trong 1 buổi chơi cash với vài bác Việt Kiều, đại gia, mà mình thua khoảng 50 triệu, là có khi tháng đó nghỉ luôn không ghé chỗ đó nữa (dù game vẫn rất thơm), xuống bàn dưới nhỏ hơn cày lại trong “vùng an toàn“, để cuối tháng vẫn duy trì cảm giác “có lời, về bờ“. Có thể nói, dù đã trở thành 1 người chơi chuyên nghiệp – 1 người chủ doanh nghiệp micro tự thân – mình vẫn giữ tư duy của 1 người đi làm công ăn lương, muốn cuối tháng phải có lương.

Mạo hiểm và liều

Không chỉ sợ mất mát, sợ thua, mình còn nỗi sợ lớn về những điều không hiểu rõ. Có thể nói, mình là 1 người mạo hiểm, nhưng không liều. Có 1 sự khác biệt lớn giữa 2 khái niệm tưởng chừng đồng nghĩa này. Mạo hiểm là khi bạn thực hiện 1 hành động có thể rủi ro, nhưng đã được lường trước, chấp nhận được, có cơ sở (chẳng hạn nhà leo núi chuyên nghiệp có đồ bảo hộ, chuyên gia đầu tư, call all-in với Q-cao vì biết rằng bài mình đủ equity đấu range đối thủ). Còn liều là khi bạn biết có rủi ro quá lớn, nhưng kệ, vẫn muốn tiếp tục chỉ vì cảm giác, mà có khi cũng chả biết tính toán, xem xét xem rủi ro ấy chấp nhận được không (chẳng hạn leo sát mép vực chỉ để chụp selfie cho đẹp, đổ hết tiền mua 1 shit coin với hi vọng biết đâu nó x100, hoặc call all-in mua lọt khe vì tâm linh, đang dây đỏ).

Bình thường, chưa bao giờ mình hứng thú với các trò chơi đỏ đen cờ bạc kiểu roulette, baccarat (chưa chơi 1 lần nào, dù cả trăm lần bước chân vào casino). Kiếm tiền từ việc trúng jackpot hay ăn hên, ăn may không làm mình 1 chút rung động, mình chỉ muốn thắng bằng chính thực lực của bản thân, sung sướng nhất là khi nhận ra nỗ lực kiên trì nâng cao trình độ đã đem lại thành quả, dựa vào bản thân mình chứ không phải dựa vào may mắn. Khi chơi poker, mình không quan tâm đến chuyện “cảm xúc mua ra lọt khe ăn dâm đối thủ” như 1 số bạn có xu hướng liều khác, mà chỉ chú tâm vào việc đánh thế nào là đúng nhất, tối ưu nhất. Nếu biết đó là cách đánh tối ưu, lúc này mình sẽ sẵn sàng mạo hiểm mà không mảy may e dè. Nhưng cũng vì vậy, mình rất khó chịu khi gặp những tình huống không biết phải xử lý thế nào mới là đúng. Chẳng hạn, nếu gặp 1 ván cầm top pairs chay bị check raise trên mặt monotone, không biết đánh sao, có khi mình cũng nghỉ luôn 1 tháng sau đó không chơi nữa, thay vào đó nghiên cứu, tìm hết các thông tin, kiến thức có thể về cách chơi mặt monotone, cho đến khi nào tự tin, thông suốt mới chơi tiếp. Nỗi ám ảnh phải hiểu rõ chân tơ kẽ tóc từng quyết định nhỏ trên bàn, cũng khiến mình đi chậm hơn, vì tốn nhiều thời gian vào những tình huống nhỏ, có khi không quan trọng.

Vấn đề của mình càng khó khăn hơn, vì thời điểm đó, các công cụ, tài liệu về poker vẫn còn rất sơ sài. Dù có hàng ngàn video dạy poker, đa số đều chỉ dựa trên ý kiến chủ quan của những người chơi giỏi, ta đành phải “tin” rằng họ nói đúng, dựa trên kinh nghiệm của họ, chứ không có cách nào kiểm chứng (ngoại trừ 1 vài câu hỏi cơ bản kiểu như tính pot odds, tính equity…). Trong khi đó, poker không phải những bài toán có thể giải đáp dễ dàng, có rất nhiều tình huống khó mà mỗi top pro lại có ý kiến khác nhau, đều nêu ra những lý do nghe rất hợp lý, mà mình – 1 người ở trình độ thấp hơn – rất khó đánh giá ai đúng ai sai. Nội việc nên open to hay open nhỏ ở vị trí xấu cũng đem đến những tranh cãi không ngừng [6], hay việc “giữa KJo, 66 87s, bài nào tốt hơn để call BTN đấu CO” cũng trở thành topic hot nhất 1 thời trên forum twoplustwo, mà các top pro thời đó tham gia thảo luận mỗi người một ý.

Cộng tác với Upswing

Mình không phải dạng người thích mù quáng “tin” theo 1 cá nhân nào khác, bất kể người đó giỏi đến đâu, mà luôn muốn hiểu rõ lý do đằng sau. Vì vậy, mình tranh luận (cãi) rất nhiều với các top pro khi thấy giải đáp, lập luận của họ chưa đủ chặt chẽ. Mình cãi với Jonathan Little khi anh ta cho rằng phải fold JJ khi có 1 nhà open và 1 nhà 3-Bet, bằng cách chỉ ra rằng có sai sót trong công thức tính EV mà anh ta đưa ra. Mình thường xuyên cãi với Thomas Pinnock (founder của zenith poker, thời đó còn là mod group facebook của Upswing) trong các công thức toán/lập luận mà anh ta đưa ra. Thậm chí mình còn cãi với Doug Polk, vì thấy hệ thống 4 categories mà Upswing dạy chưa hợp lý, quá phân cực, chưa bao quát được những trường hợp chẳng hạn “bet để bảo vệ bài”. May mắn thay, khác với các hội nhóm, trang tin Việt Nam thích lạm quyền, bịt miệng ý kiến trái chiều, chỉ thích nghe những lời nịnh nọt, đồng ý với chủ nhóm, nhìn chung, các nhóm nước ngoài có tinh thần cởi mở hơn rất nhiều. Thay vì khó chịu với những bài phản biện của mình, Doug Polk cùng các cộng sự lại ấn tượng với vốn kiến thức poker, khả năng phân định đúng sai (critical thinking) của mình. Họ nhận mình vào 1 team nhỏ chuyên review các nội dung, khóa học của Upswing. Đa số các module của Fried ‘mynameiskarl’ Meulders, Gary ‘GazzyB123’ Blackwood, Ryan ‘Ristocat’ Riske, David ‘MissOracle’ Yan, Moritz ‘MuckCallOK’ Dietrich, hay các khóa học của Kanu7, của Uri Peleg, của Nick Petrangelo… đều được gửi cho mình miễn phí để review, kiểm tra chất lượng trước khi tung ra thị trường. À, còn Thomas Pinnock thì bị đuổi, vì lạm quyền tìm cách bịt miệng mình 🤣.

Các module của mynameiskarl cũng là lần đầu mình thực sự làm quen với solver. Lần đầu tiên, những câu hỏi của mình trong poker bắt đầu được giải đáp 1 cách chính xác, khách quan mà không phải “tin” vào bố con thằng nào. Sự xuất hiện của solver giúp loại bỏ vấn đề lớn bậc nhất của mình (sự lưỡng lự khi không biết chơi thế nào mới là tối ưu), khiến trình độ của mình tăng tiến rất rất nhanh, hàng loạt khúc mắc ngày xưa dần được gỡ rối.

Thế rồi một hôm, mình nhận được tin nhắn của Mike Brady (vice president của Upswing): “Jul, mày biết chơi short deck không?“. “Tao chưa chơi bao giờ“. “Upswing đang chuẩn bị ra 1 khóa học về short deck của Kane Kalas, mà chẳng tìm được ai có kinh nghiệm về trò này. Mày giúp team thử nhé“.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *