Phái Võ Đang bị nhiều đại cao thủ trong quân triều đình bao vây. Giữa lúc nguy khốn, Trương Tam Phong dạy cho Trương Vô Kỵ “Thái cực kiếm” để bước ra đối đầu. Sau khi đi xong pho kiếm pháp, Trương Tam Phong hỏi: – Hài nhi, con có nhìn ra không?
Trương Vô Kỵ đáp: – Con nhìn ra rồi.
Trương Tam Phong hỏi tiếp: – Có nhớ được chăng?
Trương Vô Kỵ đáp: – Đã quên gần một nửa rồi.
Trương Tam Phong mỉm cười: – Được, để ta biểu diễn lại một lần nữa.
Ông cầm kiếm ra chiêu, diễn lại lần thứ hai, lần này không chiêu nào giống lần trước. Trương Vô Kỵ đi chầm chậm vòng quanh trong điện, trầm tư hồi lâu, lại đi thêm nửa vòng nữa, ngửng đầu lên, mặt rạng rỡ, kêu lên: – Con đã quên hết rồi, quên không còn chút nào nữa rồi.
Trương Tam Phong nói: – Khá lắm, khá lắm. Quên nhanh như thế, con có thể mời Bát Tí Thần Kiếm chỉ giáo được rồi.
(Trích truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung)
Khi bạn bắt đầu học, chập chững làm quen với bất cứ bộ môn, ngành nghề nào, luôn có các phép tắc, quy trình, luật lệ, công thức được đưa ra để giúp đơn giản hóa các khái niệm, dễ dàng ghi nhớ, tránh mắc sai lầm. Trong nhiếp ảnh, thiết kế, ta có quy tắc 1/3, bố cục đường dẫn, tỉ lệ vàng. Trong cờ vua, ta được dạy phải kiểm soát vùng trung tâm, rồi ghi nhớ hệ thống tính điểm cho từng quân (tốt = 1 điểm, mã/tượng = 3 điểm, xe = 5 điểm, hậu = 9 điểm). Trong ẩm thực, ta có quy tắc uống vang đỏ với thịt đỏ, vang trắng với hải sản. Trong poker cũng vậy, ta được hướng dẫn bluff với bài bottom range, hạn chế bluff bài mua thùng hụt, raise với bottom sets trên flop thay vì top sets, check slow play AA, KK nhưng fast play những overpairs yếu hơn.
Tuy nhiên, nếu coi những quy luật này là bất di bất dịch, để bị gò bó, giới hạn trong các nguyên tắc, bạn sẽ chỉ trở thành 1 người có kỹ năng khá (ít mắc sai lầm lớn, nghĩa là đủ vượt hơn đa số người bình thường), chứ không thể trở thành 1 siêu cao thủ hàng đầu (vượt hơn cả đa số chuyên gia). Một đại kiện tướng sẵn sàng nhường trung tâm bàn cờ cho đối thủ, tập trung vào kiểm soát vùng ngoại vi, hoặc hi sinh đổi hậu (9 điểm) với tốt (1 điểm) để tạo thế chiếu hết. Một đầu bếp 5 sao khi nấu thịt bò hầm nhiều sốt kem có thể phối với vang trắng để giảm bớt cảm giác béo, và ngược lại dùng vang đỏ đi chung với hải sản được chế biến cay nồng để tránh bị át vị. Một top pro poker có thể chơi những chiêu thức ngược hẳn lại với những lý thuyết bạn từng được dạy, thậm chí cố tình dùng những chiêu khác với solver. Nếu thiếu kinh nghiệm, khi nhìn qua, bạn có thể nghĩ các đại cao thủ, tông sư này đang dùngloạn chưởng, kém cỏi, chẳng theo quy tắc nào. Nhưng đơn giản, họ đã ở trình độ đủ sức vượt qua các khuôn khổ, giới hạn.
Càng học, càng nghiên cứu, đào sâu tìm hiểu trong poker (cũng như trong nhiều lĩnh vực khác), bạn sẽ thấy các làn ranh biên giới càng mờ dần, các quy tắc càng bị xóa nhòa, bẻ gãy. Có 1 thời gian dài, mình chững lại trong vùng mid stakes, dành rất nhiều thời gian học kiến thức mới, biết rất nhiều nhưng không thể đột phá, vẫn loanh quanh với thói quen nhìn vào solver để ghi nhớ sizing, ghi nhớ tần suất, học thuộc heuristics, nhớ xem bao nhiêu big blind rejam được với QJs, bao nhiêu big blind thì chỉ call. Cho đến khi mình tập “học quên để học” – “unlearn to learn”, thanh thản, nhẹ nhàng, bình tâm trước việc “tất cả những gì ta từng biết, từng được học trong poker đều có lúc sai”. Vui vẻ đón nhận những phản ví dụ, những ngoại lệ phá vỡ, thay đổi góc nhìn, buông bỏ những điều từng cho là đúng khi nhận ra nó không còn đúng nữa. Tập trung vào tìm hiểu, lĩnh hội lý do tại sao đằng sau các nguyên lý, khái niệm, thay vì cố ghi nhớ nhiều nhất có thể, chính xác, chi tiết nhất có thể. Chỉ khi hiểu được “tại sao”, bạn mới có khả năng phản biện lại khi điều được dạy không chính xác, còn sơ hở, hoặc nhận ra các điều kiện đã thay đổi, khiến quy tắc đó không còn đúng nữa. Trong đầu bạn chỉ còn “kiếm ý”, miên man bất tuyệt, mềm mại điều chỉnh theo tình huống, thay vì “kiếm chiêu” cứng nhắc, rập khuôn, lối mòn, nhức não.
Tuy nhiên, cần phải nói, bài viết không cổ súy cho sự lười biếng, cẩu thả, “chưa biết bò đã đòi chạy thi”, hay suy nghĩ “không cần học”. Muốn sáng tạo, phá vỡ khuôn khổ, đầu tiên phải biết giới hạn của khuôn khổ là ở đâu. Nếu không hiểu rõ thế nào là đánh đúng theo lý thuyết, bạn sẽ rất khó nhận ra tình huống nào cần điều chỉnh trên thực tế, hoặc nên điều chỉnh theo hướng nào, theo cách nào, điều chỉnh bao nhiêu. Học tốt lý thuyết không phải để trở thành một con robot rập khuôn, mà là bước đệm quan trọng để xây dựng cho mình 1 lối chơi biến hóa. Không có kiến thức căn bản nền tảng về poker mà cứ chỉ chăm chăm “sáng tạo”, bạn sẽ giống anh chàng ở chợ đang múa may bắt chước Trương Vô Kỵ “vô chiêu”.
Hãy học thành thạo các quy tắc chuẩn chỉ như một người thợ, để có thể phá vỡ nó như một người nghệ sĩ
danh họa Picasso