Tự hào đúng chỗ

Mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam giành thắng lợi trước Thái Lan hoặc Trung Quốc, hàng chục nghìn người lại tràn ra đường diễu hành với niềm tự hào dân tộc ngút trời. Thế nhưng, nếu bình tâm lại và thử nghĩ sâu hơn, ta sẽ thấy đây là 1 cảm xúc thật kỳ lạ.

Tại sao tự hào khi những người khác đạt được thành công, trong khi ta không hề đóng góp điều gì lớn lao vào thành công ấy (chẳng hạn, chưa từng đến sân vân động cổ vũ, chưa bao giờ góp tiền ủng hộ quỹ tài năng trẻ, thậm chí còn chẳng thuộc tên nhiều người trong đội tuyển quốc gia)? Phải chăng đây là tâm lý bộ lạc? Xuyên suốt chiều dài lịch sử, con người vốn sống trong những nhóm nhỏ, và họ dần tiến hóa để hình thành thói quen tự gắn mình theo cộng đồng: mỗi cá nhân đại diện cho cả một gia đình, một ngôi trường, một vùng miền, một quốc gia, một chủng tộc, và vinh quang của từng người trong cộng đồng cũng được coi là vinh dự của mọi cá thể khác. Mỗi khi có tin tức về thành tựu của 1 người gốc Việt (từ 3 đời trước) ở nước ngoài, người ta rất nhanh chóng “bắt quàng làm họ“, coi đó là lý do để tự hào về “dòng máu Lạc Hồng“. Nhưng ngược lại, mỗi khi có người Việt nào ở nước ngoài gây án, lừa đảo, phạm pháp, người ta cũng rất dễ phủi tay phủ nhận, với những lý lẽ như “ở đâu cũng có người này người kia“, “Âu, Mỹ cũng đầy người xấu“… Tâm lý bộ lạc, tư duy cộng đồng được áp dụng một cách chọn lọc, chỉ tự liên kết bản thân với những tiếng thơm, tránh xa khỏi những điều tiếng. Nói cách khác, đây là lối tư duy không trung thực, hypocrite.

Việc tự hào bừa bãi cũng tạo thói quen đánh giá quá cao tầm quan trọng của những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi người: thằng đó tài giỏi, vì nó có “dòng máu Việt” (điều nó không hề lựa chọn), chứ không phải vì nó nỗ lực, kiên trì, quyết tâm. Thành công của nó là điều hiển nhiên, vì “trường ta toàn sản sinh ra những nhân tài“, “người Thăng Long thanh lịch ngàn năm văn hiến“… Niềm kiêu hãnh kiểu này cũng rất dễ biến tướng, nuôi dưỡng tâm lý “chúng ta và chúng nó, coi các nhóm khác là đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ “thấp kém hơn nhóm chúng ta“, dẫn đến thành kiến, phân biệt đối xử, đôi khi thậm chí là hận thù.

Hãy cố gắng nghĩ sâu hơn, xác định rõ hơn, xem cảm xúc thật sự của mình trong mỗi trường hợp là gì, thay vì đơn giản đánh đồng nó là sự tự hào đại trà. Nếu bạn chẳng có đóng góp gì nhiều, khả năng cao, 1 thứ cảm xúc khác được gọi tên sẽ phù hợp hơn. Nếu nghĩ về ông cha ta đã hi sinh xương máu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thay vì “tự hào”, hãy cảm thấy biết ơn. Nếu thấy một người cùng quê mở startup triệu đô, thay vì “tự hào”, hãy cảm thấy được truyền cảm hứng. Anh trai của bạn mới hoàn thành luận án tiến sĩ, thay vì “tự hào”, đơn giản là hạnh phúc cùng anh. Một VĐV Việt Nam phá kỷ lục châu Á, thay vì “tự hào”, hãy “khâm phục“. Và trên hết, hãy biến cảm giác tích cực của sự tự hào thành hành động, thay vì chỉ thụ động chứng kiến thành công của người khác rồi gượng ép gắn bản thân ta với họ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *