Khi đang say sưa thực hiện 1 công việc trên máy tính hoặc điện thoại, những chiếc cửa sổ popup hiện lên “Are you sure?/Bạn có chắc muốn làm điều này?” thường sẽ khiến bạn phân tâm, cắt đứt dòng chảy sáng tạo. Nếu quá nhiều popup, thậm chí bạn còn thấy mệt mỏi, tune out, chẳng thèm đọc nội dung mà ấn “Có” hoặc “Không” liên tục, nguy cơ bỏ qua 1 câu hỏi quan trọng, hoặc lỡ tay ấn nhầm, gây hậu quả lớn. Khi gmail bắt đầu xuất hiện 20 năm trước, ngoài dung lượng khủng (1GB, so với 4MB của các đối thủ yahoo, hotmail…), khả năng tìm kiếm ưu việt, thì giao diện người dùng cũng là 1 trong những lý do quan trọng khiến nó nhanh chóng vượt lên trở thành công cụ email được yêu thích nhất. Và các kỹ sư của Google đã cho người ta thấy thế nào là 1 giải pháp tối ưu cho vấn đề nêu trên: nút Undo. Thay vì liên tục làm phiền người dùng mỗi khi họ yêu cầu xóa mail, cứ im lặng mà thực hiện mệnh lệnh, chỉ hiển thị nút Undo ở bên như 1 lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho phép phục hồi. Gmail chỉ hỏi “Bạn có chắc?” nếu người dùng thực hiện hành động nào kỳ lạ, hoặc có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn “Delete All/Xóa tất cả“.
Trong khi những cửa sổ popup thể hiện sự nghi hoặc thái quá, thì nút undo thể hiện sự tin tưởng đối với người dùng, tin rằng họ đủ hiểu biết, thông minh để biết họ đang làm gì, nhất là với những tác vụ cơ bản, không cần chất vấn họ liên tục. Nút undo cũng khuyến khích sự khám phá, cho phép người dùng thoải mái thử những tính năng, hành động mới, “không sao đâu, đã có tôi ở đây“, bởi thực ra đúng là có nhiều thứ phải làm rồi mới biết được mình có thực sự muốn làm hay không.
Triết lý trên cũng hữu ích trong nhiều mặt của cuộc sống:
- Nếu kè kè bên con, suốt ngày tra hỏi, dặn dò, lo con vấp ngã, lo con làm sai, kiểm soát thái quá, bạn sẽ khiến con bạn mất tự tin, mất cơ hội trưởng thành, cũng như đến 1 lúc nào đó con sẽ thấy mệt mỏi, tune out, và chẳng thèm nghe lời khuyên của bạn nữa. Thay vào đó, hãy như nút Undo, xuất hiện nhẹ nhàng bên cạnh ở 1 khoảng cách vừa phải, “bố mẹ tin con“, “không sao đâu, đã có bố/mẹ ở đây“, để con thoải mái tự phát triển, khám phá. Chỉ cần thực sự can thiệp nếu hành động của con có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
- Trong công việc, thay vì làm người sếp micro manage quản lý từng ly từng tí mọi việc nhỏ nhặt nhất, hãy thử đặt niềm tin vào nhân viên của bạn. Chẳng hạn, cho phép nhân viên tự đưa ra quyết định, tự giải quyết vấn đề thay vì phải xin ý kiến, đối với những đơn hàng nhỏ có giá trị dưới 10 triệu VND (hoặc 1 con số nào đó). Công ty của bạn sẽ hoạt động trơn tru hơn, nhân viên tự tin hơn, trách nhiệm hơn, hình thành lòng tin giữa nhân viên và sếp.
- Group facebook “Poker và Cuộc Sống” luôn hoạt động theo tiêu chí “hậu kiểm“: bất cứ ai cũng có thể đăng bài, đội ngũ admin chỉ như những nút “Undo” đóng bài viết vi phạm. Điều này vừa thúc đẩy tự do ngôn luận, vừa giúp các thành viên nhanh chóng nêu ý kiến, thảo luận (thay vì phải chờ qua kiểm duyệt của chủ nhóm), và cũng thể hiện niềm tin vào các thành viên: tin rằng đại đa số là những người có văn hóa, có học, có trách nhiệm với các bài viết khi đăng.
- Kỳ thi đại học ở nước ta cực kỳ khốc liệt, nặng nề, khó khăn, tuy nhiên một khi đã đỗ, gần như người ta chắc chắn sẽ được ra trường. Thay vào đó, nên làm như nhiều nước văn minh tiên tiến khác: bài thi đầu vào không quá khó, nhưng sàng lọc rất sát sao mỗi năm. Cho phép sinh viên được “Undo” quyết định của mình dễ dàng hơn, vì thật ra phần lớn có lẽ cũng không chắc lựa chọn nghề nghiệp của họ có đúng hay không vào thời điểm thi đại học.
- …
Bài viết nhân dịp bật app Vietcombank định chuyển tiền mừng 20-10 cho vợ thì bị 1 popup hiện lên bắt chuyển đổi thẻ chip, làm xong mới được tiếp tục sử dụng. Cách các app “break the flow” của người dùng kiểu này vẫn còn rất phổ biến tại Việt Nam, chẳng hạn cái app ngớ ngẩn VNeID và nhiều app khác như Timo, CGV, VETC, VNPT, MSB Bank, Momo, Hi FPT… mỗi lần update là bắt người dùng cập nhật mới được sử dụng tiếp (thay vì chỉ nhẹ nhàng thông báo có bản mới, để người ta tiếp tục thực hiện công việc của họ, lúc nào họ rảnh, lúc nào họ có wifi thì sẽ cập nhật sau). Đã 10 năm không làm IT, nhưng ai muốn thuê mình tư vấn về những vấn đề trải nghiệm người dùng, thì mình tự tin vẫn còn hơn mặt bằng chung ở Việt Nam khá xa.
PS
- Riêng cưới vợ thì phải tự hỏi “are you sure?” thật nhiều lần rồi mới ấn nút nhé, đừng ấn bừa trong tâm thế “cùng lắm là undo“.