Zoom out để nhìn dài

“Bạn tham gia game show trên TV. Người dẫn chương trình chỉ vào 3 chiếc hộp giống hệt nhau, nói bạn chọn. Trong 3 hộp này, 1 hộp chứa 20 triệu VND, 2 hộp rỗng. Nếu không mở hộp nào, bạn cũng có thể cầm 5 triệu VND ra về. Vậy bạn sẽ chọn mở hộp hay không?”

Đây là câu hỏi trắc nghiệm cơ bản mà mình từng đăng trên group poker. Tất nhiên, về mặt toán học, không khó để mọi người đều nhận ra, chọn mở hộp sẽ tốt hơn “đường dài“, vì trung bình sẽ nhận về được 6.7 triệu. Nhưng một số bạn lại nêu quan điểm: “đường dài đường ngắn cái gì, cả đời có được bao nhiêu lần lên game show? Cứ cầm chắc 5 triệu ra về“. Lập luận này nghe qua rất hợp lý, và ta cũng thường nghe những lời than vãn trong giới poker như “ối dào cứ đường dài với chả EV, nó chỉ đúng ở giai đoạn đầu game thôi. Vào đến final, pay jump trăm triệu, bao lâu mới được 1 lần, sample size nhỏ xíu, đường dài cái gì?“.

Thế nhưng, nếu bạn thử zoom out 1 chút, nhìn rộng ra 1 chút, có thể bạn sẽ bắt đầu nghĩ khác đi. Đúng là cả đời bạn chỉ 1, 2 lần được lên tham gia game show trên TV. Nhưng nếu coi đó không phải game show, mà chỉ là “1 cơ hội đưa ra quyết định tối ưu liên quan số tiền khoảng 5 triệu VND“, thì cả đời bạn có thể có hàng ngàn cơ hội như vậy. Sample size lúc này không hề nhỏ nữa, sự kiện “tham gia game show” bỗng dưng không còn “hiếm có, độc nhất” nữa khi nhìn qua lăng kính này.

Tương tự, có thể không nhiều lần bạn lọt vào final với pay jump hàng trăm triệu, nhất là nếu chỉ chơi giải trí họa hoằn lắm mới ra CLB. Nhưng đưa ra các quyết định liên quan số tiền hàng trăm triệu, thì lại xảy ra rất nhiều trong cuộc đời: chọn mua đất hay mua chung cư, mua xe hay mua nhà, đầu tư con coin này hay không, “cơ hội cả đời đó, hiếm lắm“, mua bảo hiểm nhân thọ hay gửi tiết kiệm, có tham gia chương trình tế bào gốc cuống rốn cho con hay không, hay thà đầu tư cổ phần cho thằng bạn đánh high roller? Việc luôn cố chọn đúng các quyết định tối ưu EV, về đường dài, sẽ khiến tình hình tài chính của bạn tốt hơn nhiều.

Khi tập nhìn mọi thứ theo góc nhìn tổng quan như vậy, bạn sẽ bớt bị rơi vào những cạm bẫy suy nghĩ ngắn hạnđây là sự kiện hiếm xảy ra, thôi du di, xí xóa, nốt 1 lần thôi“. Chẳng hạn, bớt thức đêm rượu bia nhậu nhẹt “chung kết FA Cup, cả năm có mỗi 1 lần“, “Việt Nam đá Indonesia nào, lâu lâu mới có dịp“, “ăn mừng vào final nào“, “tiệc chia tay độc thân của bạn hàng xóm, cả đời có 1 lần, hết mình đi“… bởi thực ra, tất cả đều là “cơ hội đưa ra quyết định tối ưu, liên quan đến sức khỏe lâu dài của bạn“, xảy ra hàng nghìn lần trong đời. Hoặc có thể bạn không tin vào karma (luật nhân quả), bởi rõ ràng có rất nhiều người xấu, người ác, nhưng lại cả đời viên mãn hạ cánh an toàn, giàu có sung túc suốt đời, trong khi ngược lại có những người hiền đức ngày ngày làm việc thiện thì lại gặp nhiều tai ương, hoạn nạn. Quãng đời 80 năm, vẫn còn là quá ngắn để cho “EV của việc làm người tốt” trở về với giá trị thực, đường xanh (những gì bạn nhận được) hội tụ với đường cam (những gì bạn đáng nhận được). Nhưng nếu nhìn xa hơn 80 năm, có thể bạn sẽ vững tin hơn với việc “làm người tốt“. Bởi những hành động, cách cư xử, đối nhân xử thế của bạn, cũng sẽ ảnh hưởng đến con bạn, cháu bạn, và những gì bạn đáng nhận được trong cuộc đời này, biết đâu sẽ hội tụ ở đời sau.

Đường dài là gì? Đơn giản, là sự tiếp nối của rất rất nhiều “đường ngắn”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *