Thời trước, mình cũng giống như bao thanh niên đam mê poker khác: chơi ngày chơi đêm, có thể đánh những session xuyên suốt 36h không ngủ, không hề cảm thấy mệt. Thế nhưng từ lúc có con nhỏ, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, nhất là trong những tháng đầu. Ai may mắn thì con bắt đầu ngủ xuyên đêm từ khoảng 6-9 tháng tuổi, nhưng chuyện có những đứa đến 2-3 tuổi vẫn đêm dậy vài lần là bình thường. Thức trắng vài đêm thì vẫn chịu được, nhưng việc thiếu ngủ, và nhất là không hề có được giấc ngủ sâu (tầm 3 tiếng phải dậy một lần) trong cả năm trời ảnh hưởng vô cùng lớn, đặc biệt với 1 người làm việc trong lĩnh vực cần rất nhiều đến bộ não. Đừng nói đến A-game, gần như mình luôn thi đấu trong tình trạng C-. Vì vậy, 3 năm nay, mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về giấc ngủ.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIẤC NGỦ
Có lẽ ai cũng biết, ngủ rất quan trọng: loại trừ căng thẳng, giảm mệt mỏi, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường tập trung, trí nhớ, sự sáng suốt, bớt nóng giận, phản ứng bốc đồng… Dân chơi thể thao đỉnh cao lại càng chú trọng đến giấc ngủ, Roger Federer ngủ 11-12 tiếng mỗi ngày, Wesley So (ELO cao thứ 5 lịch sử cờ vua) ngủ 10 tiếng mỗi đêm. “Ngủ là một nửa việc luyện tập của tôi” – Jarrod Shoemaker, vô địch thế giới duathlon.
Nhưng vẫn có nhiều người đánh giá thấp tầm quan trọng ấy, “sleep is for the weak, bạn có thể ngủ bao nhiêu bạn muốn khi đã chết” – Tony Robbins, “hãy tận dụng thời gian bằng cách giảm bớt những trò vô bổ như ngủ” – shark Hưng. Đây là suy nghĩ ngắn hạn điển hình. Việc ngủ ít rõ ràng giúp bạn có nhiều thời gian hơn để làm điều bạn muốn – trong ngắn hạn, nhưng không phải lựa chọn tối ưu nếu nghĩ về đường dài. Tương tự, mình thấy nhiều bạn trẻ thợ poker dùng đến chất kích thích để giúp tránh buồn ngủ, tỉnh táo hơn, chơi poker được nhiều hơn, thường xuyên hơn. Đối với dân chuyên nghiệp quá quen thuộc với khái niệm đường dài, đây là sai lầm không thể chấp nhận. Đang còn trẻ, cơ thể còn khỏe mạnh, bạn sẽ chưa cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, tâm trí bạn, nhưng không có nghĩa bạn không bị ảnh hưởng, nó chỉ rõ rệt hơn sau vài năm, đặc biệt khi bạn qua 30, 40 tuổi. Trái với suy nghĩ nhiều người, lúc trẻ chính là lúc bạn cần chăm lo cho sức khỏe mình nhất, chính vì phía trước bạn là một quãng đường dài nhất, chứ không phải khi già yếu mới vội vàng tìm thuốc tiên. Cũng giống như tiết kiệm, lãi kép có giá trị nhất khi bắt đầu sớm, thì ROI – return on investment – cho những thói quen sức khỏe tốt cũng đáng giá nhất khi bắt đầu từ lúc trẻ. Không gì thay thế được giấc ngủ, dù là cà phê, thiền, hay “sức mạnh tinh thần“.
Đối với dân poker, bảo vệ bộ não, bảo vệ giấc ngủ, lại càng quan trọng. Hãy điều chỉnh lịch chơi poker để ưu tiên giấc ngủ, không phải làm ngược lại như nhiều người (điều chỉnh giấc ngủ để ưu tiên chơi poker):
- Thay vì thức đêm để đánh những tour online GTD khủng, nên chơi các tour ban ngày, dù có thể ROI ngắn hạn sẽ thấp hơn).
- Chấp nhận reg battle 100bb một chút vào ban ngày, thay vì luôn chờ đợi đến đêm “game mềm hơn“. Có thể tìm hiểu nhiều site khác nhau, nhiều lựa chọn hơn.
- Nếu đánh live tournament, đăng ký trễ thường xuyên hơn [2]. Gây sức ép để các CLB không tổ chức tour kết thúc quá trễ, mà hãy để sang hôm sau đánh tiếp.
- Nếu đi đánh các series, đặc biệt ở nước ngoài chênh lệch múi giờ, nên bay sang sớm để cơ thể thích nghi, và luôn ưu tiên dành thời gian cho giấc ngủ [3] giữa các ngày thi đấu
THÓI QUEN NGỦ TỐT
- Sự đều đặn: luôn đi ngủ cùng một giờ, giúp cơ thể hình thành “đồng hồ sinh học”
- Giảm stress ít nhất 1h trước khi ngủ: không làm gì quá kích thích (chẳng hạn chơi poker). Không dùng máy tính, điện thoại (ánh sáng xanh ảnh hưởng đến chất lượng ngủ), thay vào đó đọc sách nhẹ nhàng, thiền, yoga, tắm rửa vệ sinh cá nhân cho sạch sẽ sảng khoái (quan điểm “không nên tắm khuya” không có cơ sở khoa học rõ ràng [1]).
- Ăn uống: không ăn đêm (đầy bụng, khó ngủ), và không uống nước trong khoảng 1h trước khi ngủ – tránh phải thức dậy giữa đêm đi tiểu. Thay vào đó, uống thật nhiều nước ngay khi ngủ dậy, và xuyên suốt trong ngày.
- Nhiệt độ phòng lạnh, 18-22°C, thật tối
- Để máy tính, điện thoại bên ngoài phòng ngủ.
- Chỉ vào phòng ngủ, lên giường khi đã thực sự buồn ngủ, để cơ thể hình thành thói quen “lên giường = đi ngủ”. Nếu nằm 1 chút mà chưa ngủ được, sang phòng khác, làm việc khác, cho đến khi buồn ngủ mới quay lại. Ngủ hoàn toàn không phải thời gian vô bổ, nhưng nằm trằn trọc trên giường thì đúng là vô bổ. Đây cũng là lý do nên có góc làm việc/phòng làm việc riêng nếu điều kiện cho phép, đừng làm việc trong phòng ngủ, nhất là trên giường.
- Tập kỹ thuật ngủ nhanh. Chẳng hạn mình đã thử qua PMR (progressive muscle relaxation) và thấy khá hiệu quả. Kỹ thuật này nghe đâu được phát triển cho quân đội, bởi các chiến binh cần nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Trong chiến tranh (hoặc khi trông con), bạn không thể biết khi nào bạn lại được ngủ tiếp, nên cần tiết kiệm thời gian tối đa.
- Phương pháp ngủ đa pha (polyphasic sleep) – chia một ngày thành nhiều cữ ngủ ngắn – được nhắc đến và ca ngợi nhiều trên mạng, nhưng hiệu quả của nó chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học, nhất là về các tác dụng phụ lâu dài, thậm chí còn nhiều bằng chứng cho thấy gây ảnh hưởng tiêu cực [4]. Nếu tìm hiểu kỹ về các chu kỳ ngủ (và ai làm cha mẹ có con sơ sinh cũng nên tìm hiểu), bạn biết rằng giai đoạn deep sleep N3 và REM rất quan trọng, nên việc cắt ngắn giấc ngủ nghe cũng không logic cho lắm.
Tất nhiên, mình không phải chuyên gia y tế, nên các lời khuyên ở trên hoàn toàn mang tính cá nhân (dù dựa trên nhiều nguồn uy tín), hữu dụng cho mình chưa chắc hữu dụng cho các bạn. Vì thế, hãy luôn double check kiểm tra lại thông tin, và thử xem có phù hợp cho bạn hay không. Điều quan trọng là, hãy luôn chú tâm tìm cách cải thiện giấc ngủ của bạn.
THAM KHẢO
- Tắm khuya
https://www.facebook.com/bullbeobeu/posts/pfbid0VUk7abQAfjbmNygVwpXQ1BEinm148vFLe4VNgErDVz4ZiCm4fJWQyCBRQe7cZ2Val - Đăng ký trễ
https://www.facebook.com/groups/pokervacuocsong/posts/690794959716035/ - Chuẩn bị cho 1 series tour
https://www.facebook.com/groups/pokervacuocsong/posts/684525900342941/ - Irregular sleep/wake patterns are associated with poorer academic performance and delayed circadian and sleep/wake timing
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5468315/