Còn gọi là câu hỏi đóng, chỉ cần trả lời có/không, là dạng câu hỏi phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Chúng nhanh gọn, rất phù hợp cho những tình huống cần thông tin đơn giản, nhanh chóng, ví dụ “bệnh nhân còn thở không?“, “con đói chưa?“, “trời có đang mưa không?“… Ngược lại, trong những tình huống đòi hỏi suy nghĩ, tương tác nhiều hơn, thì những câu hỏi dạng này rất giới hạn:
- Giảm tư duy phản biện, vì quá tập trung vào “đáp án đúng là gì” thay vì để tâm đến phương pháp, nguyên nhân sâu xa phía sau.
- Giảm sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, vì khiến người trả lời chỉ tập trung vào 2 lựa chọn.
- Không cho phép thảo luận, đào sâu hơn về các khía cạnh, sắc thái chi tiết, tinh tế trong 1 vấn đề. Dễ dẫn đến tư tưởng chia phe, chúng ta và chúng nó [1].
- Kết thúc cuộc trò chuyện quá sớm, không tạo điều kiện để cởi mở, kết nối.
——
Hãy thử thay đổi cách hỏi, cách tiếp cận 1 vấn đề.
- Thay vì hỏi “con hôm nay đi học vui không“, nhận câu trả lời “có ạ” rồi để con tiếp tục im lặng suốt trên đường về, hãy hỏi “hôm nay đi học con thích nhất điều gì? Cô giáo có kể câu chuyện nào mới thú vị không, kể lại cho bố nghe?“.
- Thay vì hỏi “bữa tối hôm nay ngon không em?” rồi nhận câu trả lời xã giao hời hợt “ngon lắm anh“, thì hãy hỏi “món nào em thích nhất hôm nay? So với những nơi mình đã đi, em thấy quán này có gì khác?”
- Thay vì hỏi “có nên phạt nặng hành vi vi phạm giao thông?” thì hỏi “việc phạt nặng sẽ có điểm tích cực, tiêu cực gì? Có công minh, phù hợp mức độ vi phạm (chẳng hạn vượt đèn đỏ, uống rượu lái xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc, mở cửa xe hơi không quan sát… thì rất đáng phạt nặng, nhưng lỗi không đội mũ bảo hiểm, quên xi nhan, lấn vạch khi dừng đèn đỏ… thì có đáng với những mức phạt đưa ra không)? Liệu còn phương án nào tối ưu hơn không, chẳng hạn phạt lao động công ích [2]?
- Thay vì hỏi “có nên nhập tịch cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam?” thì hỏi “để đại diện cho đội tuyển Việt Nam, điều gì thực sự quan trọng? Dòng máu Việt (chẳng hạn bà ngoại là người Việt?) hay tinh thần Việt (am hiểu văn hóa Việt Nam, yêu Việt Nam, sẵn sàng hết lòng cống hiến?) hay điều gì khác?” [3]
- Thay vì hỏi “tiêm vắc xin có dẫn đến tự kỷ” thì hãy hỏi “dựa vào đâu để ta đưa ra quyết định xem có nên tiêm vắc xin cho con không? Làm sao vừa tránh bị dắt mũi bởi tin giả, vừa tránh bị tuyên truyền bởi các cơ quan truyền thông, giúp phân biệt được thông tin nào đáng tin thực sự?“
- Thay vì hỏi “poker có phải 1 nghề” rồi rần rần tranh cãi chửi nhau, thì nên hỏi “Chọn poker là nghề sẽ đem đến những nguy cơ, hệ lụy gì? Ngược lại, có thể đem lại những cơ hội, ưu điểm gì? Những người như thế nào sẽ phù hợp hoặc không phù hợp với nghề poker?“.
- Thay vì hỏi “các đồng chí đồng ý với tôi không?” khiến người ta cả nể, ngại đụng chạm, ngại nói không, thì nên hỏi “ý kiến của các anh thế nào về phương án này? Có điều gì các anh muốn bổ sung thêm hoặc thay đổi?“. Tất nhiên, trừ khi bạn không muốn nhận ý kiến trái chiều.
- …
——
Trong cộng đồng poker, câu hỏi phổ biến nhất thường thấy trên group là “ván này em đánh đúng không?“. Những bạn mới làm quen với chiến thuật poker hiện đại cũng quá để tâm đến “tao đánh thế này đã chuẩn solver-approved chưa?“. Thay vào đó, hãy đổi sang những câu hỏi mở:
- Ở đây những yếu tố nào khiến ta muốn call? Yếu tố nào khiến ta muốn fold? Những yếu tố nào quan trọng, yếu tố nào có thể bỏ qua?
- Thay vì tập trung vào call hay fold, nếu ta chọn raise thì sao?
- Trên flop K87
, solver bet 33 trong khi check 33
, là vì có thêm backdoor equity hay vì lý do gì?
- Nếu đối thủ underbluff 1 chút, thì ta phải thu hẹp range defend đến mức nào? Hands dạng nào là hands đầu tiên cần loại bỏ khỏi range defend?….
- …
Để tìm được câu trả lời chất lượng, bước đầu tiên là biết cách đặt câu hỏi chất lượng. “Các bạn có đồng ý với bài viết này không?“
——
Tham khảo
[1] 50 sắc thái màu xám
[2] Cách mạng EV
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=5957942210897206&set=pb.100000444576644.-2207520000&type=3
[3] Chuyện của 2 người Việt
