Khoảng 3 năm trước, bức tranh tạo bởi trí tuệ nhân tạo Midjourney – “Théâtre D’opéra Spatial” – đã giành giải nhất cuộc thi Fine Arts tại một triển lãm ở bang Colorado. Sự kiện khởi đầu cho phong trào đả phá, tẩy chay các tác phẩm tạo bởi AI, “AI không phải là nghệ thuật“. Với nhiều người, nghệ thuật là phải dùng tay để vẽ, nặn, mài, khắc, qua từng nét cọ, từng đường kim, từng nhát dao của người nghệ sĩ. Thế nhưng, theo cá nhân mình, định nghĩa như vậy chỉ chạm tới phần ngọn, chứ không phải bản chất. Nghệ thuật đơn giản là bất cứ hình thức biểu đạt nào cho phép người ta thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, thế giới nội tâm của mình, nhằm chạm đến cảm xúc, tư duy của người khác. Một nhiếp ảnh gia bấm nút máy ảnh, cách Ronaldinho chơi đùa với trái bóng, màn trình diễn ngồi lặng im hàng giờ của Marina Abramović, hay thậm chí một quả chuối dán tường của Maurizio Cattelan, đều có thể coi là nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa này, tranh vẽ tạo bởi công cụ AI, hiển nhiên cũng là nghệ thuật, miễn nó thể hiện được đúng trí tưởng tượng, tầm nhìn, thế giới quan của tác giả, và tạo nên cảm xúc trong người xem.
Mỗi khi có một phát minh, đột phá mới, nó gần như luôn vấp phải sự phản kháng từ một bộ phận những người bám víu vào định nghĩa cũ, góc nhìn quen thuộc. Một thời gian dài, hip-hop không được coi là âm nhạc, chỉ là “thứ tạp âm hỗn loạn, ồn ào“, truyện tranh không được coi là văn học, chỉ là “thứ giải trí rẻ tiền cho trẻ con“, người trầm cảm không được coi là bệnh nhân, chỉ là “những kẻ yếu đuối, thiếu ý chí“. Người ta khẳng định “bitcoin không phải là tiền, vì không được bất kỳ chính phủ nào bảo chứng“. Thế nhưng, về bản chất, tiền suy cho cùng chỉ là một phương tiện được nhiều người tin tưởng, chấp nhận để làm trung gian trao đổi giá trị, lưu trữ sức lao động, và làm đơn vị đo lường cho hàng hóa. Vỏ sò, muối, đồng… đều từng được sử dụng như tiền trong lịch sử nhân loại. Nếu thay vì tin tưởng vào ngân hàng trung ương, người dân muốn tin tưởng vào toán học, vào thuật toán, công nghệ, thì đó vẫn có thể là tiền.
Trong cộng đồng poker, thỉnh thoảng lại có người lên bài nêu quan điểm về “poker không phải là nghề“, viện dẫn cách hiểu cũ kĩ về nghề nghiệp, chẳng hạn “nghề là tháng nào cũng phải có tiền“, “nghề là phải có lương hưu“, lôi danh sách 34/2020/QĐ-TTg nào đó về “danh mục các nghề tại Việt Nam” ra làm luận điểm. Thế nhưng, một lần nữa, bản chất của nghề đơn giản hơn nhiều, chỉ cần là bất cứ công việc nào giúp nuôi sống bản thân và gia đình. Trong thời hiện đại toàn cầu phát triển liên tục, sẽ luôn xuất hiện nhiều nghề mới nằm ngoài những khái niệm truyền thống, từ youtuber, streamer, game thủ, người xếp hàng thuê, chuyên gia đặt tên cho em bé, người khóc thuê trong đám ma, người kiểm tra giới tính gà con, người dắt chó đi dạo…
Thay vì tranh cãi về “poker có phải nghề“, hãy hỏi và thảo luận những câu quan trọng hơn, sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, chẳng hạn “thu nhập trung bình và trần thu nhập của nghề poker?“, “nghề poker có những ưu điểm gì, nhược điểm gì?“, “phù hợp với người như thế nào, không phù hợp với người như thế nào“, “nếu chọn làm nghề thì lộ trình ra sao để tối ưu, phải để ý đến những yếu tố gì“, “tiềm năng/nguy cơ trong tương lai gần, tương lai xa?“, “nếu thôi không theo poker nữa, quay trở lại những nghề truyền thống khác thế nào“… Trong chủ đề này, hay bất cứ lĩnh vực nào, hãy thử nhìn lại những gì ta tưởng là hiển nhiên, thách thức lại các định nghĩa, bởi chính những va chạm đó sẽ giúp ta đào sâu hơn vào bản chất, mở rộng tư duy, làm giàu hơn góc nhìn, để phù hợp hơn với một thế giới ngày càng phức tạp và đa chiều.
