Các Kiểu Người Chơi Giỏi
KIỂU 1: TÀI NĂNG THIÊN BẨM
Những người sinh ra như để dành cho poker. Họ có năng khiếu đặc biệt, chẳng hạn trí nhớ photographic (nhìn 1 lần là nhớ), khả năng nắm bắt tâm lý đối thủ, trực giác cực tốt để đánh hơi thấy mùi nguy hiểm hoặc sơ hở, cảm nhận rất tốt các chiến thuật dù không học bài bản. Có thể kể đến Stu Ungar (3 lần vô địch WSOP Main Event), Bryn Kenney (1st All Time Money List live tournament), Viktor ‘isildur1’ Blom, Phil Ivey, Daniel ‘jungleman’ Cates…
KIỂU 2: NHÀ BÁC HỌC
Thường là những người rất giỏi về toán, nắm vững lý thuyết trò chơi GTO, hiểu cặn kẽ mọi khái niệm từ cơ bản đến nâng cao. Họ cũng biết sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ như solver, icmizer, poker tracker… Mỗi chiến thuật họ đưa ra đều phải được kiếm chứng bằng toán học hoặc bằng phần mềm, không có chỗ cho cảm tính. Có thể kể đến Jonas ‘Otb_RedBaron’ Mols, Linus ‘LlinusLlove’ Loelinger, Justin ‘ZeeJustin’ Bonomo, Alex ‘Kanu7’ Millar…
KIỂU 3: NGƯỜI THỢ LÀNH NGHỀ
Những người đã chơi poker từ lâu, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, có thể là qua hàng chục năm chinh chiến, hoặc hàng triệu hands đánh online trường kỳ. Hầu như tình huống nào họ cũng từng gặp, và kể cả nếu không đủ giỏi để sáng tạo tìm tòi ra chiến thuật, kiến thức mới thì họ cũng bù đắp nhờ chơi nhiều, xem và học hỏi những người giỏi hơn. Có thể kể đến Barry Greenstein, Chris Moorman (cựu số 1 All Time Money List online tournament), Randy ‘nananoko’ Lew… cùng rất nhiều thợ high stakes ngày nay.
Tất nhiên sẽ có những khoảng trùng lặp giữa 3 kiểu người chơi này, chẳng hạn sẽ có những người chơi vừa kinh nghiệm, vừa giỏi lý thuyết, vừa có năng khiếu, trực giác tốt (như Phil Galfond, Berry Sweet, Ben Sulsky, Ben Tollerene…). Thế nhưng thường thì bạn có thể thấy 1 người chơi giỏi sẽ thuộc vào 1 trong 3 nhóm kể trên một cách khá rõ ràng.
Game mới
3 trường phái này, mỗi cái đều có điểm mạnh điểm yếu riêng, không hẳn kiểu nào đã là vượt trội hẳn, và bạn có thể không nhận ra sự khác biệt giữa các top pro đã phát triển đến cùng cực của từng trường phái. Thế nhưng có 1 tình huống bộc lộ rõ sự khác nhau giữa 3 kiểu “giỏi” này: đó là khi chơi 1 trò chơi mới. Có thể vẫn là Texas Hold’em nhưng thay đổi về cấu trúc (thêm ante, straddle, bounty, cơ cấu giải khác lạ, thay đổi giữa 6-max/full ring/heads up, super deep stack…), hoặc là 1 môn mới tinh như Short Deck, PLO 5 lá, Stud, Razz…
Khi gặp 1 trò chơi mới, người chơi thiên bẩm sẽ là người có lợi thế lớn nhất. Những kỹ năng của anh ta như trí nhớ giỏi, khả năng quan sát, đọc vị tâm lý… không bị mất đi. Cảm nhận chiến thuật tốt cũng giúp anh ta “đoán ra” bài dạng nào mạnh, bài dạng nào yếu, chơi thế nào là tối ưu (hoặc ít ra là chấp nhận được) một cách nhanh chóng, trong khi các đối thủ của anh ta còn đang mò mẫm. Đây là lý do những người như Stu Ungar, Phil Ivey, Isildur1… thường giỏi rất nhiều môn, và thường nhanh chóng trở thành top pro ngay sau khi học 1 game mới.
Những người thợ sẽ là người gặp khó khăn nhất. Kinh nghiệm tích lũy lâu năm của anh ta giờ đây gần như vô dụng. Anh ta phải làm quen lại từ đầu, bài nào đủ mạnh để open ở vị trí nào? Mặt bài như nào là xấu? Stack bao nhiêu thì call all in được với bài này? Cũng chẳng có sách, tài liệu, video nào để anh ta tham khảo, và anh ta không đủ sáng tạo, không đủ kiến thức để tự nghĩ ra chiến thuật. Anh ta không biết phải làm gì cả, và như người mù lạc lối. Nếu bạn xem các video Triton của nhiều top pro nổi tiếng khi mới chơi Short Deck lần đầu, bạn sẽ thấy nhiều người như vậy, thi đấu một cách ngây ngô không hề giống với phong cách sát thủ mỗi khi chơi trò NLHE quen thuộc.
Những nhà toán học gia cũng sẽ gặp khó khăn khi mới bắt đầu. Một trò chơi mới thường chưa có phần mềm hỗ trợ đi kèm, và những người theo trường phái lý thuyết sẽ có cảm giác bị cùm, bị kìm hãm, không dám làm gì, vì mọi thứ đều chỉ là cảm tính, chưa có công thức, phần mềm để kiếm chứng, mà họ thì cực kỳ ghét cảm tính, cực kỳ ghét hành động với những chiến thuật không chắc đúng sai. Thế nhưng đây cũng là lúc những người thực sự hiểu về lý thuyết bắt đầu tạo ra được sự khác biệt, và dần dần, họ xây dựng lại bộ lý thuyết mới áp dụng cho game mới, và từng bước vượt qua cả những tài năng thiên bẩm.
Khi mình post 1 vài bài giải thích cách xây dựng range call all in, range rejam, range trên flop một cách thủ công, nhiều bạn thắc mắc là sao phải tính làm gì, phí thời gian, giờ đây đã có icmizer hoặc solver đưa ra đáp án sẵn. Các công cụ, phần mềm hỗ trợ đúng là rất hữu ích, giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, nhưng bạn cũng nên hiểu bản chất đằng sau để không quá phụ thuộc vào chúng, tránh lạm dụng. Và khi gặp 1 trò chơi mới chưa có phần mềm hỗ trợ, thay vì chịu chết ngồi không chờ đợi, nếu có kiến thức căn bản tốt, bạn có thể tự tính bằng tay mọi thứ, giống như poker NLHE của 15 năm trước. Đây chính là những điều mình đã làm, và đã giúp mình nắm bắt cơ hội, đạt được những thành công rất lớn với trò Short Deck, khi cộng đồng vẫn còn chưa kịp bắt nhịp.
Coaching
Không phải người chơi nào giỏi, cũng sẽ trở thành người thày giỏi. Điều này đúng trong mọi bộ môn thể thao, và cũng đúng trong poker. Đừng bị mờ mắt vì thành công của 1 người, thấy anh ta vô địch giải đấu lớn, hoặc thường xuyên ăn nhiều ở những bàn cash game high stakes mà vội vàng xin học. Bạn cần nhận ra, người chơi đó giỏi, nhưng là giỏi kiểu gì? Nếu anh ta giỏi nhờ vào tài năng thiên bẩm, nhờ trực giác, nhờ tâm lý tốt, anh ta sẽ không thể truyền cho bạn những kỹ năng đó. Nếu anh ta giỏi vì chơi lâu năm, anh ta có thể hỗ trợ bạn một chút, nhưng nhìn chung cũng khó chia sẻ lại kinh nghiệm đó của mình (bạn sẽ chỉ học được cách đánh máy móc, bước tắt: “tình huống này nên bet vì tao thường làm thế và thấy rất hiệu quả” chứ không hiểu hết được bản chất đằng sau). Những coach tốt nhất là những coach theo trường phái lý thuyết, đặc biệt là những người có khả năng truyền đạt, khả năng sư phạm giỏi, để giúp bạn hiểu được các khái niệm một cách sâu sắc, thấu đáo, biết áp dụng vào những tình huống khác nhau. Hơn nữa, nếu một ngày kia bạn chuyển sang chơi 1 game mới, những lý thuyết học được cũng sẽ rất hữu ích cho bạn, thay vì mò mẫm tích lũy kinh nghiệm lại từ đầu.