Sau bao lần cải cách giáo dục, giảm tải, vẫn còn rất nhiều môn học được giảng dạy tại nhà trường: toán, lý, hóa, văn, sử, địa… Thế nhưng, học cái gì mới thực sự quan trọng? Nếu chỉ có thể dạy cho con 3 điều, đây sẽ là 3 thứ mình tập trung nhất:
1. NGOẠI NGỮ
Tốt nhất là tiếng Anh, nhưng các ngôn ngữ khác (tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga…) cũng được. Ngoại trừ những chủ đề riêng về Việt Nam, còn lại trong đại đa số lĩnh vực khác, tài liệu tiếng Anh (hoặc tiếng nước ngoài nói chung) nhiều gấp ngàn, và chất lượng gấp trăm lần tài liệu tiếng Việt. Giỏi ngoại ngữ cũng cho phép bạn có thể tham gia trao đổi, thảo luận trực tiếp với mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả những chuyên gia hàng đầu.
Lý do thứ 2 của việc học ngoại ngữ, là để bạn có cơ hội đi du học, cơ hội hòa nhập trong một xã hội nước ngoài. Nhìn chung, điểm mạnh nhất của du học sinh/những người từng sống ở nước ngoài, so với sinh viên trong nước/những người chưa bước chân ra khỏi đất nước (không tính đi du lịch), không phải kiến thức, mà là sự cởi mở trong suy nghĩ. Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng việc thực sự sống và hòa nhập trong 1 nền văn hóa khác biệt, 1 xã hội với cách hoạt động khác, lối suy nghĩ khác, thể chế khác, giá trị khác, dần dần sẽ giúp người ta nhận ra: à, không phải cái gì của ta cũng đúng, cũng hay, cũng đẹp, lối suy nghĩ của dân Tây, dân Tàu, dân Campuchia… cũng có cái lý của nó. Sống ở nước ngoài 1 vài năm, không phải để sau đó sính ngoại, hoàn toàn chối bỏ đất nước. Bạn vẫn có thể giữ nguyên phần lớn quan điểm, truyền thống, giá trị của người Việt, nhưng ít nhất, bạn học được thói quen nhìn nhận 1 vấn đề theo góc nhìn của người khác, những người có hoàn cảnh sinh ra lớn lên, môi trường sống vô cùng khác biệt với mình. Điều này áp dụng cho cả người nước ngoài. Nhiều người Mỹ không thèm học ngoại ngữ, không muốn thử sống ở nước ngoài (vì “Mỹ là nhất“), và những người đó thường bảo thủ, tư duy đóng hơn nhiều so với những người Mỹ từng lang bạt khắp nơi.
2. TÌNH YÊU VỚI VIỆC HỌC
Trái với những biệt danh nhiều người gọi cho mình hiện nay (“giáo sư poker” nọ kia), thời phổ thông, mình không phải đứa ham học. Tham gia đội tuyển của trường Ams chỉ để có thể thoải mái trốn học đi chơi điện tử. Đang giai đoạn ôn luyện tập trung thi học sinh giỏi quốc gia thì chỉ lo làm thơ tặng crush dịp 8/3. Đến lúc sang Pháp du học, sau học kỳ một vùi đầu vào cố gắng hết sức và đạt điểm số kỷ lục thời đó, thì học kỳ hai mình toàn chơi, vì tính rằng dù kết quả có tệ đến mấy, thì với cách biệt điểm số từ học kỳ một, kiểu gì cuối năm chia trung bình vẫn đứng đầu trường. Đó là bởi vì suốt gần 20 năm ấy, hầu như chưa bao giờ mình học vì thực sự yêu thích, mà luôn vì những lý do bên ngoài: để được phiếu bé ngoan, được điểm cao, được bố mẹ thưởng, được thầy cô khen, được bạn bè nể, được tuyển thẳng đại học, được học bổng, sau này đi làm được lương cao, kiếm nhiều tiền… Có lẽ đây cũng là trải nghiệm của đại đa số mọi người đang đọc bài viết này. Đối với chúng ta, học là một dạng trách nhiệm, bổn phận, “công việc”, học rất mệt đầu, cực khổ, chỉ chờ đến lúc tốt nghiệp ra trường để không còn phải học nữa, sau này trưởng thành nhắc đến việc học (chẳng hạn học poker) là dị ứng, gạt đi.
Thế nhưng, nếu nhìn vào những em bé mầm non, bạn sẽ thấy việc học với chúng nhẹ nhàng thế nào, bởi đó là hoạt động chúng vô cùng yêu thích. Thế giới xung quanh các em khi còn nhỏ là vô cùng thú vị, ngập tràn điều mới lạ để khám phá. Những đứa trẻ lên 3 có thể say sưa ngồi nghe giảng về Hệ Mặt Trời, về các loài sinh vật biển, về cơ thể con người, mắt tròn mắt dẹt miệng há hốc khi thấy các cô làm thí nghiệm tạo nước đá, nâng vật nặng bằng bóng bay… Nếu bạn thực sự yêu thích 1 chủ đề, bạn không còn thấy học là khó, là mệt nữa, không còn là công việc, là trách nhiệm, mà mọi thứ đến vô cùng tự nhiên. Với bản thân mình, chỉ cho tới khi tìm được tình yêu với poker, mình mới thực sự học đúng nghĩa, nhờ đó mình chưa bao giờ cảm thấy mệt khi review hands, nghiên cứu cơ sở dữ liệu, chạy solver.
Một nền giáo dục chất lượng, không phải ở việc họ dạy được những gì cao siêu cho học sinh, mà điều quan trọng nhất là họ truyền được cảm hứng học. Một giáo viên toán giỏi, phải khiến học sinh yêu sự logic, problem solving. Dạy văn, không quan trọng học sinh thuộc được bao nhiêu bài thơ, viết văn trau chuốt ngôn từ bóng bẩy thế nào, mà quan trọng là có tạo được cho các con thói quen đọc sách? Dạy vật lý không phải để học trò biết cách tính tiêu cự thấu kính, động năng, quán tính thế nào, mà quan trọng là khơi dậy trí tò mò với cách thế giới vận hành. Dạy lịch sử không phải để học sinh “yêu quê hương đất nước“, mà phải để học sinh yêu môn sử, thích thú với việc tìm hiểu điều gì đã xảy ra trong quá khứ. Trên hết, ta phải dạy, vun đắp, bồi dưỡng cho trẻ óc khám phá, sự tò mò, thói quen đặt câu hỏi tại sao, luôn thắc mắc với mọi điều, luôn muốn hiểu sâu hơn.
3. TƯ DUY PHẢN BIỆN
Rất khó để phân biệt đúng sai. Điều đúng, chưa chắc là điều được dạy bởi “bề trên” (thày cô, bố mẹ, sếp, luật pháp, nhà nước, tôn giáo…). Chưa chắc là điều nhiều người cho là đúng. Chưa chắc là điều từng đúng trong quá khứ (chẳng hạn truyền thống). Chưa chắc là điều đem lại niềm vui, cảm xúc dễ chịu (nhất thời) cho bạn. Đúng trong 1 vài trường hợp, không có nghĩa nó đúng. Đúng với bạn, chưa chắc đã đúng với đại đa số người khác (và ngược lại). Không phải ai giàu có thành công cũng là đúng. Không phải cứ cùng phe với mình là đúng (chẳng hạn nếu có 1 cuộc chiến, rất đông người sẽ lập tức cho rằng phe thân Nga là đúng, phe thân Mỹ là sai). Thậm chí, không phải cái gì đem lại lợi ích cho mình cũng là đúng.
Giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay ít dạy người ta cách phân định đúng sai, mà dạy rằng: “đây là đúng, đây là sai, hãy nhớ lấy“. Và học sinh Việt Nam rất giỏi phần “nhớ lấy” này, nhờ đó các em dễ dàng đạt thành tích cao trong các kỳ thi, kể cả thi quốc tế. Nhưng đến khi ra trường đi làm, bước vào cuộc sống thực, đâu còn ai chỉ cho bạn “đây là đúng” để bạn nhớ lấy nữa? Tự bạn phải mò mẫm giữa muôn vàn thông tin, dữ liệu, ý kiến trái chiều, và đây là lúc bạn bè quốc tế, những người được dạy tư duy phản biện từ bé bắt đầu bứt phá, vượt xa so với người Việt. Trong thời đại internet, lượng thông tin kiến thức bạn có thể tiếp cận được càng nhiều, thì tư duy phản biện lại càng không thể thiếu.
Sự ham học giúp người ta muốn đặt câu hỏi. Ngoại ngữ tốt giúp người ta tìm được câu trả lời. Và tư duy phản biện, giúp người ta biết được câu trả lời có đúng hay không. Theo mình, đây là kỹ năng quan trọng bậc nhất. Nếu không có 2 điều phía trên, cùng lắm ta sẽ trở thành 1 người thiếu kiến thức, nhưng vẫn ít nguy hiểm hơn so với có kiến thức sai lệch.
Bao nhiêu người trong chúng ta khi trưởng thành, thực sự cần biết đến phương trình oxy hóa khử, bất đẳng thức lượng giác, hay văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc? Mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau, vì thế thật phí phạm khi tốn công sức học những thứ vô dụng không cần thiết, thậm chí còn gây phản ứng xấu (làm học sinh ghét môn học, hay ghét việc học nói chung). Trong khi đó, nếu được trang bị bộ 3 kỹ năng kể trên, người ta có thể sẵn sàng tùy cơ ứng biến, tự học thứ cần thiết, khi cần thiết, hữu dụng suốt cuộc đời.