“Thợ cash hơn thợ tour”

Trên các diễn đàn poker thế giới nhiều năm qua, có quan điểm phổ biến “thợ cash giỏi hơn thợ tour rất nhiều“. Vậy thực hư thế nào?

Trong quá khứ

Từ những năm 1950 cho đến cỡ 2015, theo mình đây là quan điểm chính xác hiển nhiên, không cần bàn cãi, gần như tuyệt đại đa số các top pro trên thế giới đồng ý với quan điểm này. Người ta có thể hâm mộ Stu Ungar 3 lần vô địch WSOP Main Event, nhưng trong giới top pro đời đầu, Chip Reese mới là cao thủ được đánh giá cao nhất. Phil Ivey, Patrick Antonius, Tom Dwan, Isildur1, Otb_RedBaron… – những gương mặt nổi nhất giới poker đều đi ra từ cash. Gần như tất cả những thay đổi lớn nhất trong chiến thuật poker (3-Bet bluff, XR bluff, float để bluff vòng sau, defend BB rộng, overbet, bet 10% pot…) đều được khởi xướng, cách mạng hóa từ người chơi cash. Chỉ có top pro cash chuyển sang đánh tour vẫn là top pro, chứ hầu như top pro tour nào đi đánh cash high stakes cũng bị chăn. Các top pro cash cũng dễ dàng chuyển sang chơi các thể loại game khác (PLO, short deck, mixed games…) hơn so với top pro tour.

Lý do tại sao pro cash giỏi hơn pro tour trong quá khứ:

  1. Tiềm năng lợi nhuận cao hơn rất nhiều, từ low stakes đến high stakes, nên những người giỏi nhất, thông minh nhất trong giới poker thường chọn con đường này
  2. Nhiều tình huống phổ biến lặp đi lặp lại hơn (100bb BB đấu BTN, 3BP BvB…), nên dễ xây dựng chiến thuật chuẩn, dễ kiểm chứng tính đúng đắn của chiến thuật. Còn trong tour có quá nhiều yếu tố, quá nhiều tình huống, hơn nữa variance quá cao, nên 1 chiến thuật “đúng” hay “sai” cũng khó được xác nhận hơn, khiến pro tour có xu hướng mò mẫm trong chiến thuật hơn, nhiều chiến thuật “sai” vẫn được sử dụng hơn.
  3. Cash game thường đánh deep, nên đòi hỏi phải nghĩ sâu hơn. Tournament thường đánh short, chủ yếu preflop và flop, ít nghĩ sâu, mà đòi hỏi tính đến nhiều yếu tố hơn (nhiều vị trí hơn, nhiều mức stack hơn, thay đổi theo giai đoạn tour, tour đông người hay ít người, vv…). Một bên phát triển theo chiều sâu, 1 bên phát triển theo chiều rộng, nhưng sự khác biệt là khi phát triển theo chiều sâu, mọi thứ sẽ tăng theo cấp số nhân. Ví dụ nếu stack quá short, BB đấu BTN đối diện cú C-Bet, trên flop gần như chỉ còn 2 lựa chọn: XF, XC all in. Nếu stack deep hơn 1 chút, lúc này phải chia range ra: XF, XC với ý định XF vòng sau, XC với ý định XC vòng sau, XC với ý định XRAI vòng sau, XR với ý định fold khi bị 3-Bet, XR với ý định stack off khi bị 3-Bet, biết thay đổi range tùy việc turn ra con gì. Nếu stack deep nữa thì lượng decision points càng cao theo cấp số nhân, có thể lên gấp trăm lần, và nếu tính đến các run out khác nhau (47 con turn x 46 con river), các sizing khác nhau (điều chỉ có khi deep) thì thậm chí cả nghìn cả vạn lần. Để chơi tốt cash game deep stack, phải hiểu rất sâu về game, trong khi đánh tour, dù có nhiều yếu tố thật, khó đánh hoàn hảo thật, nhưng các yếu tố sẽ theo hướng cấp số cộng nhiều hơn: giờ chẳng hạn nếu đánh bàn 10 người thay vì bàn 8 người, đánh stack 40bb thay vì 30bb, thì mình cũng vẫn sẽ dễ áng áng ra chiến thuật “tạm chấp nhận được”, “chỉ là lỗi nhỏ”, chứ không khó như trong cash game deep stack nơi rất dễ dính blunder lỗi nặng. Việc quen nghĩ sâu giúp các top pro cash hiểu nguyên lý của poker hơn, và cũng dễ chuyển sang các thể loại game khác hơn.
  4. Trong cash, ta nghĩ nhiều về why (tại sao), còn trong tour, ta dành quá nhiều thời gian học, nghiên cứu, suy nghĩ về what (cái gì). Trong tour, sự khác biệt lớn đến từ việc học thuộc lòng range preflop, từ việc biết ở đây A8o có thể call all in còn A7o phải fold, 66 có thể rejam còn 55 phải fold, với cấu trúc pay out này thì TT là ranh giới call còn pay out kia thì phải JJ, vv… những thứ không thực sự đến từ 1 lý do logic nào, do suy luận nào ra, mà đơn giản vì nó là như thế, đó là threshold cần ghi nhớ. Vì tốn quá nhiều thời gian, năng lượng não bộ ghi nhớ what, người chơi tour dù thông minh, tài năng đến đâu cũng đơn giản là không còn đủ thời gian, năng lượng dành cho việc hiểu về why, và những what này cũng trở nên ít giá trị, lãng phí nếu chuyển sang thể loại game khác, trong khi các nguyên lý why thường dễ chuyển sang môn khác hơn.
  5. Pro cash hầu như ai cũng phải giỏi thật sự mới sống được với cash, còn “pro tour” nhiều khi đơn giản là 1 ông fish nhưng hên hên big hit mà thôi, không phải pro thứ thiệt.
  6. Trong cash game, bạn phải tranh đấu với những người chơi khá giỏi rất thường xuyên, dần dần trui rèn giúp bạn nâng cao trình độ, loại bỏ các lỗi của bản thân (vì nếu không sẽ bị các pro khác exploit đến chết). Trong tour thì ngược lại, tỉ lệ fish và bad regs quá nhiều, nên dù bạn tăng kỹ năng exploit chăn gà, nhưng nhiều khi lại tạo thói quen xấu.
Thời hiện đại

Trong khoảng 10 năm gần đây, theo cá nhân mình, sự khác biệt về trình độ giữa pro cash và pro tour không còn nhiều như xưa nữa. Một vài lý do:

  • Giờ không còn dễ kiếm rất nhiều tiền (ví dụ $1M+/năm) từ cash game nữa vì: quá khó, quá nhiều cao thủ (bàn 6-max high stakes thường tỉ lệ là 1 fish + 5 pro, trong khi 1 tour high roller kể cả Triton thường tỉ lệ vẫn nhiều fish hơn nhiều, có thể lên đến gần 50% ở các tour như Triton invitational). Các yếu tố politics làm high stakes cash game trở nên ngột ngạt, không còn tự do như trước (ít game public, chủ yếu là game kín, phải quan hệ, lấy lòng host, lấy lòng các VIP, ăn nhiều quá bị ban, bị quịt tiền, vv…). Hơn nữa, khi đánh cash quá giỏi, nhiều khi bạn sẽ khó kiếm game hơn (không được cho chơi, ngồi đợi bàn ở lobby cũng không ai vào tiếp), còn tour thì dù bạn giỏi nhất thế giới, vô địch liên tục, vẫn luôn có đầy tour cho bạn chơi. Những thay đổi này khiến ngày càng nhiều người thông minh, xuất chúng nhất trong giới poker chuyển sang đánh tour.
  • Sự xuất hiện và phổ biến của solver giúp giới pro tour hiểu về poker, xây dựng chiến thuật tốt dễ dàng hơn nhiều so với trước, chẳng hạn dễ dàng biết chơi 4BP UTG đấu SB phải làm gì, chơi BvB đánh đến river mặt 4 con thùng phải làm sao, trong khi ngày xưa có khi chơi vài chục tour mới có 1 lần gặp tình huống như vậy. Solver cũng khiến giữa 1 người thông minh và 1 người trung bình, thì chiến thuật của mỗi người “nghĩ ra” (hay nói đúng hơn là học từ solver) không còn quá nhiều khác biệt nữa.

Hai thay đổi lớn này phần nào loại bỏ các lý do số 1, 2 và 6 ở trên, tuy nhiên, các lý do từ số 3 đến số 5 thì vẫn tồn tại, vẫn là trở ngại lớn để pro tour thực sự vượt lên so với pro cash. Nếu ngày xưa top pro cash 10 điểm thì top pro thuần tour chỉ 5 điểm, thì giờ top pro tour cũng đạt được 8 điểm, đã rất gần, nhưng vẫn còn 1 khoảng cách khó san lấp được, đơn giản vì bản chất của game.

(8 điểm là cho các top pro tour có nghiên cứu sâu solver nhé, còn như bác Hóng thì vẫn 3 điểm).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *