Những điều thú vị từ bầu cử tổng thống Mỹ

1) Survival Bias

Nếu trước bầu cử, một nhà phân tích dự đoán Trump chiến thắng và kết quả đúng như vậy, mọi người sẽ nghĩ “Uầy, ông này giỏi thật, chuyên gia có khác“. 4 năm sau, ông ta lại được mời lên truyền hình phát biểu, tư vấn, dân tình chăm chú dõi theo xem chuyên gia dự đoán thế nào. Còn nếu ông ta sai? “Đúng là tiến sĩ giấy, sai lè. Phán thì giỏi lắm, như thật ấy. Mấy ông này chỉ chém gió ăn tiền thôi chứ biết gì đâu“. Diễn biến sát sao của cuộc bầu cử này cho thấy tỉ lệ thắng của mỗi người có lẽ loanh quanh 45 – 55%, gần như coin flip, nghĩa là cực khó dự đoán, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vì thế, hãy đừng nhìn vào kết quả mà đánh giá.

2) Hindsight Bias

Sáng hôm qua khi Trump đang dẫn trước với khoảng cách lớn, rất nhiều người tuyên bố: “Biết ngay Trump sẽ thắng lớn mà. Dưới quyền Trump, kinh tế phát triển, GDP tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm, lại còn cho thấy cái uy trên trường quốc tế của người anh cả khi đối đầu trực diện với Trung Quốc. Người Mỹ coi trọng kinh tế nhất, cứ nhìn cách họ thà chịu Covid còn hơn đóng cửa là biết.” Còn đến giờ khi Biden đã bước 1 chân vào Nhà Trắng, các bình luận lại tràn lan: “Không hiểu sao có người nghĩ Trump có thể tái đắc cử. Xử lý khủng hoảng Covid tồi tệ, quan hệ ngoại giao yếu kém làm mất lòng đồng minh, mới nắm quyền 4 năm mà nước Mỹ loạn, chia rẽ sắc tộc“. Tìm ra lý do giải thích một chuyện đã xảy ra luôn thật đơn giản các bạn nhỉ!

3) Duy tâm

Hàng loạt nhà chiêm tinh học, số học, thầy tướng, pháp sư, tiệm bánh, vườn thú… đã dự đoán Trump sẽ giành chiến thắng. “Chúa nhắn nhủ trực tiếp với tôi rằng Trump sẽ tái đắc cử” – Pat Robertson, người sáng lập mạng truyền hình Kito giáo CBN. Có điều Robertson đã 90 tuổi nên tai hơi nghễnh ngãng, không biết có nghe nhầm lời của Chúa không. Và chắc chắn cũng nhiều thày bói, nhà ngoại cảm… dự đoán cho Biden, nhưng cũng như mọi lời tiên tri nào cho bất cứ lĩnh vực gì, xác suất thành công thường cũng xấp xỉ đi hỏi con vẹt.

4) Availability Bias

Nếu trước bầu cử, ta làm cuộc thăm dò, hỏi người ủng hộ Trump và Biden xem dự đoán tỉ lệ trúng cử của họ là bao nhiêu, đem 2 con số cộng lại chắc sẽ ra khoảng 150%. Đơn giản vì những người sống ở Texas, Louisiana, Missouri… – xung quanh người thân, hàng xóm, đồng nghiệp đều là người của đảng Cộng Hòa – đều nghĩ “hiển nhiên Trump sẽ thắng, ai cũng yêu mến ủng hộ ông ấy, một người dám nói dám làm. Đi đâu cũng thấy người ủng hộ Trump, niềm tin tràn ngập khắp nơi“. Còn những người sống ở Sillicon Valley, New York, Chicago… – những vùng ủng hộ đảng Dân Chủ – thì lại bảo “Trump làm gì có cửa, xung quanh tôi ai cũng ghét lão ta, lúc nào cũng chỉ hành động bồng bột theo cảm tính, lại ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.” Và thế là đến ngày bầu cử, cả 2 phía đều bất ngờ, không tưởng tượng nổi mọi thứ lại diễn ra sít sao, gay cấn đến thế. Lẽ ra Trump phải dễ dàng thắng / thua chứ?

5) Double check thông tin

Vợ mình hay phàn nàn về việc, nếu nói với mình điều gì, chẳng hạn “Anh ơi đừng chiên bằng dầu olive, độc đấy” hoặc “Cá không có dây thần kinh cảm giác đau“, việc đầu tiên mình làm sẽ là lên mạng kiểm tra lại thông tin (đáp án: đúng là cá không biết đau như cách người đau, nhưng chiên bằng dầu olive chẳng sao cả). Ở đây không phải mình không tin vợ, chỉ là ở thời đại này có quá nhiều thông tin lá cải không được kiểm chứng, và không cảnh giác sẽ dính bất cứ lúc nào. Đơn cử, mấy tiếng vừa rồi đầy những bài chia sẻ của fan Trump về chuyện “tổng số phiếu bầu cử ở Wisconsin vượt quá số dân” (nguồn: một người vô danh trên Twitter), “bỗng dưng đến phút cuối Biden tìm được ở đâu ra mấy trăm nghìn phiếu không hiểu tại sao, chắc chắn có gian lận” (nguồn: một blogger trên Facebook). Chỉ cần google 1 chút sẽ thấy ngay đây là tin vịt (Wisconsin có 3.6 triệu cử tri đăng ký, không phải 3.2 triệu), và bạn sẽ hiểu tại sao chuyện Biden nhận được nhiều phiếu bầu qua thư là bình thường, đã được dự đoán trước hàng tháng.

6) Confirmation Bias

Một người đã ghét Trump sẽ chỉ chăm chăm tìm đọc những bài viết chửi Trump, còn bài nào khen Trump thì chỉ lướt lướt. Ở chiều ngược lại, fan cuồng của Trump sẽ cho rằng những bài đả phá Trump là “báo chí định hướng tả khuynh“, “những đòn đánh dưới thắt lưng, thủ đoạn của truyền thông“. Bài viết nào theo ý mình, họ sẽ like, sẽ share, coi nó là đúng, còn bình luận nào trái ý thì sẽ xóa, sẽ block. Họ chỉ muốn nhìn thấy những thông tin ủng hộ quan điểm của mình, dù thông tin đó đúng hay sai.

7) Kết luận

Giờ này cuộc đua cũng chuẩn bị ngã ngũ. Chẳng cần biết ai sẽ lên nắm quyền, cũng chẳng cần biết bạn ủng hộ bên nào, hãy nhớ: mọi thứ không chỉ có màu trắng và màu đen. Đây không phải là cuộc chiến giữa phe thiện và phe ác, không có bên nào đúng 100% hoặc sai 100%. Dù chuyện bầu cử ở Mỹ có thể không liên quan trực tiếp đến bạn, hãy coi đây là cơ hội để nhìn vào và rút ra những bài học:

  • Đừng để cảm xúc lấn án lý trí, hãy lắng nghe lập luận và thông tin từ cả 2 bên một cách khách quan, chấp nhận ý kiến trái chiều
  • Luôn giữ tư tưởng là có nhiều điều mình không biết hết, hiểu hết
  • Luôn kiểm tra lại mọi thông tin. “Trust everybody, but always cut the cards“.
  • Ai cần bói toán cứ hỏi mình, chẳng hạn bói giới tính thai nhi xác suất trúng 50%

2 Comments Những điều thú vị từ bầu cử tổng thống Mỹ

  1. Pingback: 50 sắc thái màu xám - Jul Trần

  2. Pingback: Ta không biết những gì ta không biết - Jul Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *