Khi tivi, báo đài vừa đưa tin, đăng hình về một vụ tai nạn máy bay thảm khốc, nhiều người sẽ có tâm lý sợ đi máy bay, dù theo thống kê, hàng không vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất. Nếu bạn thấy người hàng xóm mới trúng độc đắc, bạn sẽ có xu hướng mua xổ số thường xuyên hơn, dù xác suất trúng độc đắc có lẽ còn ít hơn xác suất bị xe đụng trên đường đi mua vé. Một người nghiện thuốc lá có thể phớt lờ mọi lời cảnh báo của bác sĩ, nhưng lại bỏ thuốc sau khi thấy người bạn thân bị ung thư phổi.
Trong rất nhiều bài viết, mình đã nói về việc não người không được cấu tạo để hiểu, cảm nhận tốt về xác suất. Khi muốn dự đoán tần suất của một sự kiện, người ta thường nghĩ về sự kiện đó, và việc nào càng dễ nhớ, dễ hiện ra trong đầu, thì chúng ta càng có xu hướng nghĩ rằng việc đó có xác suất xảy ra cao hơn. Trong khoa học, điều này gọi là availability bias (định kiến sẵn có). Và tất nhiên, những ví dụ trực quan, “mắt thấy tai nghe” sẽ dễ tưởng tượng ra hơn.
Bên cạnh đó, ta luôn đánh giá thổi phồng những việc xảy ra liên quan trực tiếp đến ta, vì nó “dễ hình dung, dễ nhớ” nhất. Niềm tin vào công lý, vào luật pháp của một người sẽ giảm sút đáng kể sau khi chính họ bị cảnh sát giao thông vòi tiền bánh mì. Nếu chuyên gia tư vấn hôn nhân hỏi các cặp vợ chồng xem mỗi người làm việc nhà bao nhiêu phần trăm, đem 2 con số cộng lại sẽ ra khoảng 150%, vì người ta chỉ nhớ về ký ức khi họ nấu cơm, lau nhà, nhưng quên đi những lúc người kia rửa bát, giặt đồ, đổ rác. Phần lớn người chơi poker nghĩ rằng họ là những người kém may mắn, vì họ chỉ nhớ nhất những lần chính mình bị đối thủ bad beat.
Availability bias càng nguy hiểm, khi não người còn một tật xấu nữa, là khi việc nào càng thường xuyên xảy ra, càng dễ nhớ đến, cảm giác càng quen thuộc, ta càng có xu hướng cho nó là đúng. Nghe tivi ra rả “Kangaroo máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” suốt, ta chấp nhận thông điệp quảng cáo. Lớn lên trong một gia đình sùng đạo, được nghe nhiều về những điển tích “thày này linh lắm, thiêng lắm”, những đứa trẻ càng dễ mê tín, mặc nhiên chấp nhận cách nhìn duy tâm. Một người có xu hướng chính trị “chống cộng cực đoan” hay “dư luận viên bò đỏ”, nhiều khi chỉ phụ thuộc vào anh ta sinh ra tại quận Cam hay ở thủ đô Hà Nội. Trong thời đại mạng xã hội hiện nay, hiệu ứng của availability bias càng mạnh, bởi bạn thường kết bạn, tương tác, theo dõi những người, những trang tin có cùng sở thích, cùng cách nghĩ với bạn, còn những góc nhìn đối lập bị chôn vùi, không hề hiện ra trong news feed, biến mất khỏi tâm trí bạn.
Lần tới, trước khi nghĩ rằng “xã hội thời nay thật loạn lạc, đầy tệ nạn”, “đàn ông rặt một lũ trăng hoa, ngang nhiên cặp bồ”, hãy nghĩ xem có phải bạn thường follow “Hóng Biến”, “Tin Giật Gân”? Xung quanh bạn có đủ những người có tính tình, cách nghĩ, tư duy khác so với bạn, hay chỉ toàn những người cùng quê, cùng tầng lớp, cùng cách giáo dục? Bạn có cho mình cơ hội để đón nhận những góc nhìn đa chiều?
Rảnh rảnh viết một chút thôi, giờ phải đi rửa bát, giặt đồ, đổ rác cái đã.