Trong thí nghiệm nổi tiếng “Chú chó của Pavlov”, các nhà khoa học thấy rằng, nếu họ rung chuông mỗi lần cho chó ăn, con chó sẽ hình thành suy nghĩ “Nếu có tiếng chuông, mình sắp được ăn”. Kể cả khi họ chỉ rung chuông không, nó vẫn nhỏ rãi, phản xạ y như lúc được cho ăn. Loài người tất nhiên tiến hóa hơn loài chó, nhưng về bản chất thực ra cũng khá giống nhau. “Nếu thả quả trứng rơi xuống đất, quả trứng sẽ vỡ. Nếu sờ tay vào bình nước đun sôi, tay sẽ bỏng…”. Mỗi người lớn lên, trưởng thành, hiểu biết hơn, phần lớn chính dựa vào việc quan sát các hiện tượng nhân quả như trên, và bộ não được lập trình để suy nghĩ theo hướng này.
Mấy năm trước, mình có dạy poker cho một bạn. Học xong buổi đầu, bạn đó hỏi mình: “Anh có cách nào tóm tắt chiến thuật lại thành cái gì đơn giản, ví dụ nếu hit top pair hoặc mua thùng nut thì bet lớn, nếu hit middle pair hoặc mua sảnh 2 đầu thì check call, như kiểu sơ đồ khối hay không? Làm vậy sẽ dễ hình dung hơn, thậm chí mình có thể lập trình cho mấy con bot đánh poker”.
NẾU poker có thể gói gọn lại thành những mệnh đề một chiều như vậy, THÌ mọi thứ đơn giản biết mấy. Tưởng tượng bạn hit set, và theo quy tắc “nếu bài mạnh thì bet lớn xây pot”, bạn quyết định bet. Nhưng 2 bên đều khá short stack, việc xây pot không quá quan trọng, nên bạn check, bẫy đối thủ. Nhưng mặt bài khá ướt, nhiều đường mua bán, thế là bạn bet. Nhưng bạn lại có quy tắc “hit top set block mất khả năng đối thủ có bài để call”, nên bạn lại check. Nhưng đang bubble, bạn không muốn mạo hiểm lao lý, thế là bạn bet. Nhưng đối thủ là một thằng rất hổ báo, thấy ai tỏ ra yếu đuối sẽ tìm cách cướp, nên bạn lại check… Có quá nhiều thứ cần nghĩ đến và đánh giá trong từng quyết định, không thể đơn giản hóa thành một mệnh đề cơ bản “Nếu… thì…”. Mình thường nói với học trò rằng, thay vì nghĩ theo kiểu đơn phương 1 chiều, hãy nghĩ theo kiểu “chiếc cân”. Với mỗi yếu tố cần tính đến, bạn lại đặt lên bàn cân, rồi từ số lượng yếu tố, độ quan trọng của từng yếu tố, độ tự tin của bạn về mỗi nhận định, dần dần bạn mới đưa ra quyết định của bản thân xem nghiêng về bên nào.
Một vấn đề lớn nữa là não người được cấu tạo để hiểu, cảm nhận “Nếu A thì B”, chứ không phải “Nếu A thì có thể B, cũng có thể C”. Trong mọi tình huống, chúng ta luôn tìm cách tự nghĩ cho mình 1 lý do để giải thích 1 sự kiện, tự huyễn hoặc bản thân mình, để câu chuyện trở về quy tắc “Nếu thì – nguyên nhân suy ra hệ quả” mà chúng ta quen thuộc. Một sinh viên mặc chiếc áo đỏ 3 lần liền, đi thi đều được điểm cao, thì từ đó mỗi lần đi thi sẽ mặc áo đỏ. Một cặp vợ chồng vô sinh nhiều năm, vừa đi lễ chùa Ba Vàng về thì thụ thai, thế là sau đó trở thành tín đồ trung thành. Một ông giám đốc bị bệnh hiểm nghèo, đã dùng bao nhiêu loại thuốc, và sau khi dùng thử sừng tê giác thì thấy đỡ, thế là sau đó sẵn sàng bỏ tiền tỉ ra mua sừng tê giác tẩm bổ. Lời giải thích cho cả 3 trường hợp này đều gói gọn vào 1 từ “may mắn”.
Trong poker, một người chơi bị 1 em dealer chia cho bad beat thua 3 ván lớn liền, từ đó cứ thấy mặt em dealer đó là ghét, đòi đổi. Thấy 2 lần liền không mua bảo hiểm đều thua ngược, thế là cho rằng sàn poker bịp, lừa dối người chơi. Ngay hôm qua, một bạn nhắn tin hỏi mình “Anh ơi tại sao 4 hôm nay em cứ chơi ban ngày thì thắng còn buổi tối thì thua, em trăn trở mãi mà không tìm ra lý do?”. Người ta viết sách giải đáp giấc mơ để tra số đề, ghi ghi chép chép mỗi lần chơi tài xỉu để xem đang dây đỏ hay dây đen, với hi vọng tìm ra quy luật, bởi chẳng phải “mọi thứ đều có quy luật” hay sao? Một lần nữa, quy luật của tất cả những điều này đều gói gọn vào 1 từ “ngẫu nhiên”.
Hôm trước mình thấy trên news feed facebook của 1 người bạn có câu châm ngôn “Không có gì trên đời là ngẫu nhiên, tự bạn làm chủ định mệnh của bạn”. Đây là 1 câu châm ngôn tốt, giúp người ta có thêm động lực cố gắng. Nhưng thật ra “ngẫu nhiên”, “may mắn”, “xác suất” là một phần cực kỳ quan trọng, hiển hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực trên đời, và NẾU ta chịu khó thay đổi cách nghĩ, để ý, quan tâm hơn, chấp nhận sự tồn tại của những điều bất định, THÌ ta sẽ CÓ XÁC SUẤT thành công cao hơn, hiểu cuộc đời hơn, để ứng phó tốt hơn với những sự kiện xảy ra nằm ngoài quy luật.