Chuyện của 2 người Việt

Kesley Huỳnh là một cầu thủ người Brazil, đến Việt Nam từ 2004. Anh thi đấu xuất sắc, rất nhiều lần giành danh hiệu vua phá lưới giải quốc gia Việt Nam. Anh nói tiếng Việt thành thạo, thích đồ ăn Việt, cưới vợ sinh con với người Việt, và được nhập tịch ở tuổi 28 – đúng độ chín của 1 cầu thủ. Anh được gọi vào đội tuyển quốc gia 1 lần cho 1 trận giao hữu. Sau anh, suốt 10 năm nay gần như không có cầu thủ ngoại nhập tịch nào được gọi lên tuyển.

Ludovic Casset (Mã Trí) là 1 hậu vệ nghiệp dư người Pháp “gốc Việt”, chưa 1 lần về nước, không biết nói tiếng Việt. Thế nhưng năm 2004 khi anh đến Việt Nam lần đầu để thử việc, anh được truyền thông săn đón, và nhanh chóng được chọn vào đội tập trung chuẩn bị cho Tiger Cup. Cuối cùng anh bị loại vì không đủ trình độ. Sau anh, có rất nhiều Việt Kiều tương tự được trao cơ hội thử sức với đội tuyển quốc gia, đơn giản chỉ vì có 1 chút dòng máu Việt trong người, thậm chí từ thời “bà ngoại”.

Trong 2 người này, ai là người “Việt Nam” hơn? Cái gì tạo nên một người con đất Việt? Một vài phân tử máu? Hay là văn hóa, là tiếng nói, là cách nghĩ được xây dựng, hình thành qua thời gian dài sống chung, chia sẻ với những đồng bào khác? Phân biệt với 1 người chỉ vì người đó sinh ra như thế nào, chính là 1 dạng phân biệt chủng tộc. Bạn có thể đề nghị gia tăng yêu cầu, điều kiện nhập tịch để tránh việc các CLB lách luật, nhưng một khi một người đã được nhập tịch, bạn bắt buộc phải đối xử với họ như bất cứ người Việt nào khác, bất kể gốc gác họ thế nào. Hành động ngăn cấm cầu thủ nhập tịch tham gia cống hiến cho đội tuyển quốc gia, không những trái đạo lý, mà còn là trái pháp luật.

Thế giới đang sục sôi vì phong trào Black Lives Matter. Việt Nam hầu như chỉ có 1 chủng tộc duy nhất, không giống như Mỹ, Pháp, hay thậm chí 1 vài nước láng giềng như Malaysia, Philippines, vì vậy chuyện phân biệt chủng tộc có vẻ như không xảy ra, không được quan tâm. Nhưng cũng chính vì thế, những người đang bị phân biệt đối xử càng cô đơn, bất lực trước những bất công. Cầu thủ da màu ở Mỹ, ở Anh có thể bị chửi là “mọi đen”, bị ném vỏ chuối, nhưng đó chỉ là lăng mạ, là sỉ nhục – những điều họ có thể bỏ ngoài tai không thèm chấp. Ít ra họ vẫn được trao cơ hội lao động, cống hiến 1 cách công bằng – điều người Việt gốc nước ngoài không thể đạt được chừng nào tâm lý đề cao “dòng máu” dưới vỏ bọc tinh thần dân tộc còn len lỏi trong đại đa số người Việt. Có lẽ phải thừa nhận, người Việt Nam “phân biệt chủng tộc” bậc nhất thế giới, và đáng buồn là chính chúng ta không nhận ra điều đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *