Buổi tối, 2 vợ chồng đang ở trên gác xem tivi thì vợ bảo: “Em thèm xoài”. Cả 2 quyết định chơi oẳn tù tì, “ai thắng 3 thì thắng”, và người thua sẽ phải xuống lầu lấy xoài lên.
Lần chơi đầu mình nghĩ 1 chút rồi ra lá, vợ ra búa. Mình dẫn 1:0.
Lần 2 mình nghĩ tiếp và ra kéo, vợ ra búa, 1:1
Lần 3 mình lại nghĩ rồi ra kéo, vợ ra lá, 2:1
Lần 4 mình nghĩ và ra búa, vợ ra kéo, 3:1
Mình đã gặp may? Không hẳn vậy. Oẳn tù tì là 1 trò chơi tồn tại hàng ngàn năm nay, hầu như ai cũng biết, dân tộc nào, đất nước nào cũng chơi. Nhưng nó ko ngẫu nhiên như bạn tưởng. Đúng là trên lý thuyết, và nếu bạn đánh với máy với xác suất ra mỗi loại đúng 33.3% thì mọi thứ hoàn toàn là ngẫu nhiên, ai thắng là may mắn. Nhưng con người không phải máy tính. Cũng giống như khi chơi poker, bạn có thể tìm hiểu về cách nghĩ, thói quen, phản ứng tự nhiên của con người để tăng lợi thế cho mình.
Thứ nhất, nắm đấm và xoè tay là tư thế tự nhiên, còn tạo hình chiếc kéo là không tự nhiên, cần 1 chút tập trung suy nghĩ. Ra kéo là 1 dạng “chiến thuật bất ngờ” vì nó hơi trái tự nhiên, nên thường được ưa thích bởi những người có lối suy nghĩ lắt léo, thích outplay đối thủ. Vợ mình không phải như vậy, mà là 1 người hồn nhiên, giản đơn, vì vậy xác suất vợ ra kéo ở ngay lần đầu là thấp. Mình chọn lá, và lúc này mình chỉ có từ hoà đến thắng.
Trong 1 bài viết trước, mình từng nói về việc não người không xử lý tốt về xác suất, về ngẫu nhiên, và sẽ luôn có xu hướng nghĩ rằng 1 chuỗi ngẫu nhiên sẽ trông thế này: XXOXOOOX thay vì XXXXXXXX hay XXXXOOOO, dù trên thực tế xác suất xảy ra của cả 3 chuỗi này là y như nhau. Sự kém hiệu quả trong việc tưởng tượng chuỗi ngẫu nhiên khiến giả thiết “người chơi ít ra kéo” không còn chắc chắn nữa từ lần thứ 2 trở đi, bởi bất cứ ai kể cả người giản đơn cũng sẽ nghĩ “nãy giờ mình không ra kéo, giờ phải ra kéo cho nó đúng tự nhiên”. Nhưng ta lại có thể lợi dụng cách nghĩ này. Chiến thuật của mình tiếp theo khá đơn giản, dựa trên lập luận: nếu người chơi vừa chọn búa, nhất là 2 lần liền, họ sẽ ít khả năng ra búa lần kế tiếp. Khi đó ta chỉ cần ra kéo ở lần sau, vì lúc này ta sẽ từ hoà đến thắng. Còn ở vòng cuối, sau khi thấy mình ra kéo liên tục 2 vòng và mới thắng xong, não người sẽ có xu hướng “bắt chước” và cũng ra kéo. Khi đó, mình chỉ việc ra búa.
Những điều mình vừa nói ở đây đều là những chiến thuật hết sức cơ bản mà bất cứ ai nghiêm túc với môn oẳn tù tì đều thuộc lòng. Nhiều nơi trên thế giới thậm chí tổ chức giải đấu oẳn tù tì, ai đến 100 là thắng, và tương tự như tour poker, thỉnh thoảng vẫn có người nghiệp dư ngoại đạo vô địch, nhưng bạn sẽ thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc vào sâu hết lần này đến lần khác. Chẳng hạn Annie Duke (vô địch World Series of Poker 2004, tác giả 1 vài cuốn sách được nhiều người trong cộng đồng poker ở Việt Nam yêu thích) cũng chính là nhà vô địch World Series of Rock Paper Scissors năm 2006.
Trở lại với câu chuyện “xuống lầu lấy xoài”: Vợ mình bảo “trong Nam khi nói chơi đến 3 là thắng, thì phải thắng 3 lần liên tiếp mới tính”, và đòi tiếp tục, nhưng lần này không cho mình suy nghĩ nữa, phải chọn ngay tức khắc từng game. Và lần này thì vợ mình nhanh chóng thắng 3 lần liền. Có phải vợ mình may? Cũng không hẳn, và đó là chủ đề của bài viết lần sau.