Tiếng Việt của chúng ta phong phú là thế, nhưng không có từ nào sát nghĩa với “enjoyment” trong tiếng Anh. Ta thường chỉ dịch chung chung là sự hài lòng, sung sướng, vui thích, y hệt như từ “pleasure“, tưởng chừng như chúng là từ đồng nghĩa. Thế nhưng, 2 từ này lại rất khác biệt, và hiểu rõ sự khác biệt ấy hết sức quan trọng. Vì vậy, mình xin mạn phép sáng tạo ra 1 từ mới để dễ bề thảo luận: “sướng sâu sắc” là enjoyment, “xướng xấu xa” là pleasure.
Xướng xấu xa là niềm vui thụ động đến từ những yếu tố ngoại lai, thường do thỏa mãn một nhu cầu sinh học đã được lập trình, hoặc thỏa mãn một yêu cầu của xã hội. Bạn sẽ thấy xướng khi được ăn ngon, ngủ nướng, làm tình, hút cần, khi giàu, khi có địa vị, hoặc đơn giản khi bức ảnh bạn đăng lên facebook nhận được nhiều likes. Xướng xấu xa đem lại khoái cảm tức thì, thế nhưng khi mất đi yếu tố kích thích bên ngoài, bạn thường thấy trống rỗng (thậm chí xấu hổ, tội lỗi) và lại phải lao vào tìm kiếm sự kích thích mới để bù đắp: thêm đồ ăn, thêm gái đẹp, thêm tiền, thêm chức quyền, thêm likes…, chìm sâu vào một vòng xoáy không hồi kết, không bao giờ là đủ.
Sướng sâu sắc, hơi khác đi, là cảm giác hạnh phúc có được từ nội tại bên trong bạn, sau khi bạn chủ động tập trung, cố gắng vượt qua thử thách để đạt được mục đích nào đó. Trải nghiệm ấy giúp bạn trưởng thành hơn, tiến bộ hơn, trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn một chút của bản thân. Chẳng hạn khi bạn thắng sát nút đối thủ ở phút bù giờ trong trận giao hữu bóng đá cuối tuần. Khi bạn về đích của một cuộc thi marathon sau một chặng đường rất dài. Cũng có thể là những thứ nhẹ nhàng hơn: một buổi chiều xây lâu đài cát với đứa con bạn tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng đang từng bước lớn khôn. Cùng người yêu nếm thử vị ngọt của món bánh tráng miệng tự tay bạn làm, hoặc một buổi chuyện trò, thảo luận thú vị làm thay đổi một chút thế giới quan của bạn. Những hành động đem lại sự sung sướng, chưa chắc đã khiến bạn khoan khoái ngay trong lúc diễn ra, nhưng khi nó kết thúc, bạn sẽ thấy trào dâng, tràn ngập một niềm thích thú, hạnh phúc kéo dài rất lâu (xem hình đồ thị đính kèm – vẽ nhanh nên hơi nguệch ngoạc tí :-P). Nếu hỏi một người gần đất xa trời, giây phút nào trong cuộc đời họ là đáng quý nhất, ấn tượng nhất mà họ sẽ không bao giờ đánh đổi, đó sẽ là những thời khắc của sự sung sướng sâu sắc, chứ không bao giờ là một bữa tiệc 3 sao Michelin linh đình, hay một chiếc túi Hermès xa xỉ.
Trong một chuyến du lịch, bạn cảm thấy xướng khi nằm dài trên ghế ngắm biển, bên cạnh là ly cocktail và chiếc loa bluetooth bật nhạc thư giãn. Nhưng bạn lại sướng khi tờ mờ sáng xỏ giầy, lần theo con đường mòn leo lên đỉnh núi, khám phá vùng đất mới, phóng tầm nhìn ra chân trời để ngắm những tia nắng bình minh đầu tiên của mặt trời đang mọc. Cùng là chiếc xe mui trần mới mua, bạn xướng khi lượn lờ trên phố và đón nhận ánh nhìn trầm trồ ngưỡng mộ của các em teen girl, nhưng sướng thật sự nếu cầm vô lăng lướt trên những cung đường duyên hải lồng lộng gió biển. Bạn chỉ sướng với chiếc cúp poker và giải thưởng của nó sau khi trải qua những giây phút đấu trí khốc liệt trước những đối thủ đẳng cấp, chứ chẳng ai tự hào vì trúng xổ số hay hồi tưởng về lần bạn thắng giải Flip Out, dù nó cũng đem lại cho bạn nhiều tiền và hiện vật.
Trong thời đại này, nhiều khi chúng ta nhầm lẫn, đánh đồng xung xướng với hạnh phúc – thể hiện rõ qua những tên gọi happy hour, happy meal, rồi massage happy ending. Chúng ta mải chạy theo những khoái cảm xung xướng nhất thời, vì nó dễ đạt được, nó cụ thể, để rồi biết bao người thành đạt, giàu có, vây quanh bởi món ngon vật lạ gái đẹp xe sang nhưng vẫn thấy mất ý nghĩa cuộc sống, cuối cùng tìm đến cái chết. Nhiều gia đình không tiếc tiền chăm chút con, mua cho nó bất cứ thứ gì, ăn đến phát phì, mặc toàn đồ hiệu, tài xế riêng đưa đón, du lịch sang chảnh khách sạn 5 sao, để rồi đứa con lớn lên vẫn hư hỏng, trầm cảm, xa cách với cha mẹ. “Xướng không biết hưởng“? Hay giá như họ hướng bản thân, hướng con cái đến với những trải nghiệm, những cảm xúc khác đi một chút thay vì đơn thuần là dạng thụ động tận hưởng, biết đâu cuộc đời bỗng ý nghĩa hơn, đáng sống hơn?
Có một bạn đọc nói, muốn mình viết về mục đích sống, tại sao chúng ta lại được sinh ra. Chủ đề này hơi quá cao siêu, và mình không nghĩ đủ khả năng trả lời. Có khi mục đích sống cuối cùng chỉ đơn giản là làm sao cho sướng. Với điều kiện là bạn thực sự hiểu ý nghĩa của từ sướng.
Tham khảo
- Mihaly Csikszentmihalyi – Flow, the Psychology of Optimal Experience (1990)
- The Neuroscience of Happiness and Pleasure