Khi niềm tin không chết

Niềm tin bất diệt” thường được nhắc tới như 1 đức tính. “Dù chông gai, gian khó đến đâu, ta vẫn vững niềm tin“. Thế nhưng trong đại đa số trường hợp, nếu niềm tin của bạn không thể bị giết chết, khả năng cao nó được đặt sai chỗ. Cách đơn giản nhất để nhận biết xem niềm tin của bạn có mù quáng hay không, đó là tự nghĩ xem: “Nếu một người muốn chứng minh rằng bạn sai, họ phải làm gì?” “Điều kiện gì cần xảy ra để bạn thay đổi quan điểm?” “Liệu niềm tin của bạn có thể bị phản biện?

Bạn có thể tin rằng “Trump mới là người chiến thắng, đảng Dân chủ đã gian lận“. Nhưng bạn cũng phải tự đặt ra ranh giới khi nào sẽ chấp nhận mình sai, chẳng hạn sau khi nộp đơn lên tòa án 60 lần đều bị bác, hoặc sau khi chính những nhân vật hàng đầu của đảng Cộng Hòa thừa nhận thất bại. Bạn có thể phản đối tiêm văcxin, cho rằng nó “trái tự nhiên“, “các hãng văcxin giấu thông tin để ăn tiền“, “thằng cháu cô hàng xóm của chị họ tôi tiêm xong bị tự kỷ“. Nhưng liệu việc các tổ chức y tế hàng đầu thế giới từ Mỹ, Âu, Nhật đến trung tâm tiêm chủng Việt Nam đều khuyến cáo tiêm văcxin cho trẻ có đủ cho bạn đổi ý chưa, hay còn cần điều gì? Nếu bạn tin “bitcoin chỉ là bong bóng, là tiền ảo, không có giá trị gì“, thì khi nào bạn bắt đầu nghĩ lại? Sau khi bitcoin tồn tại được 10 năm, sống sót qua nhiều cơn sóng? Khi các công ty lớn như Paypal, Microsoft, AT&T chấp nhận thanh toán bằng bitcoin? Nếu bạn tin Robomine là mạng tiền ảo uy tín đáng đầu tư chứ không phải đa cấp, thì phải chăng đến tận khi nó sụp, bạn và người thân mất hết tiền mới thừa nhận điều ngược lại?

Bản thân mình là 1 người cứng đầu. Rất khó có ai thay đổi được ý kiến của mình, và mình thường sẽ tranh luận đến cùng. Nhưng mình cũng là 1 người rất khoa học, và không có 1 niềm tin nào của mình bất tử. Nếu có ai chỉ ra được phản chứng, luận điểm hợp lý, mình sẵn sàng quay ngoắt thay đổi 180 độ, và lại cứng đầu với niềm tin mới. Những người phản khoa học thường biện hộ “có nhiều điều khoa học không giải thích được“, “khoa học vẫn sai đầy ra đó thôi“. Họ hoàn toàn đúng, tuy nhiên sự khác biệt cơ bản nhất giữa cách nghĩ khoa học và cách nghĩ “tâm linh“, “cảm giác” không phải là toán, không phải là máy móc, thí nghiệm, không phải tranh cãi xem bên nào đúng bên nào sai. Khác biệt lớn nhất, đó là một người có cách nghĩ khoa học chân chính sẽ chấp nhận mình sai.

Tâm linh“, “tín ngưỡng“, “tôn giáo” là nhu cầu của rất nhiều người, và tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự do tin vào nó. Nhưng rất nhiều điều trong tâm linh không những không giải thích được, mà còn không phản bác được. Làm sao phản bác được khi 1 người tin rằng chỉ cần ôm bom cảm tử, họ sẽ được lên thiên đường, được thưởng 72 trinh nữ? Hoặc nếu họ tin rằng, bởi vì họ chưa dâng sao giải hạn, chưa cúng đúng thầy, lễ vật chưa đủ nên làm ăn thất bại? Cái nguy hiểm của giáo phái, tâm linh, tín ngưỡng không hẳn là những gì nó dạy – trái lại, các tôn giáo thường hướng giáo dân đến điều thiện lành. Cái nguy hiểm là nó tập thói quen niềm tin bất diệt, tin không cần bằng chứng, tin không cần lý trí. Và nếu không cẩn thận, ta bắt đầu tin rằng thực ra Chúa tạo ra loài người. Tin rằng Bill Gates tạo ra Covid. Tin rằng trái đất nóng lên là lừa đảo, tin rằng FBI dựng lên vụ khủng bố 11 tháng 9, tin rằng Mỹ chưa bao giờ đặt chân lên mặt trăng. Tất cả đều là niềm tin không thể phản bác.

Chúng ta từng tin rằng trái đất phẳng, và rồi Ferdinand Magellan đi vòng quanh trái đất trong hải trình lịch sử của mình. Từng tin rằng bệnh tật đến từ không khí độc, cho đến khi Louis Pasteur phát hiện ra vi khuẩn. Nhân loại nói chung tiến bộ và phát triển hơn, một người nói riêng lớn lên và trưởng thành thêm, sau mỗi lần niềm tin của chúng ta bị đạp đổ. Thế nên, hãy bảo vệ niềm tin, nhưng đừng ngại để cho nó chết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *