Nếu hỏi một người “bạn có chắc không?“, tôi sẽ tin tưởng hơn nếu nhận được câu trả lời “80%“, thay vì “100%“, vì nó cho thấy người ấy đã tính đến các ý kiến trái chiều. Tương tự, nếu một nhóm biểu quyết, bàn bạc về 1 vấn đề, mà tỉ lệ đồng thuận luôn đạt 100%, nó cũng không hoàn hảo như bạn tưởng.
Lý do quan trọng nhất để chúng ta làm việc nhóm, là để tận dụng sức mạnh của số đông. Mỗi người đem đến cho nhóm những ưu điểm riêng, kiến thức riêng, góc nhìn riêng, bù đắp lẫn nhau. Một nhóm luôn luôn đồng ý với nhau thường chỉ xảy ra ở 3 khả năng:
- Các thành viên không đủ tự tin, không dám đưa ra ý kiến trái chiều. Xảy ra khi có sự vượt trội của 1 vài cá nhân trong nhóm (rất giỏi, hoặc nói rất nhiều át hết người khác).
- Các thành viên không được khuyến khích, tạo điều kiện để đưa ra ý kiến phản bác. Xảy ra trong các môi trường làm việc cứng nhắc, đặt nặng tôn ti trật tự, vai vế, hoặc người lãnh đạo quá tự tin, cố chấp, không muốn nghe rằng mình sai.
- Các thành viên quá giống nhau, cùng đến từ 1 vùng quê, cùng tốt nghiệp 1 trường đại học, cùng đọc chung 1 sách, cách nhìn nhận mọi sự việc y hệt.
Đây là 1 vấn đề rất lớn, đặc biệt với các công ty, cửa hàng nhỏ, ở đó người chủ là vua. Anh ta điều hành, ra lệnh, chứ ít khi tham vấn các “thuộc hạ”. Mọi việc diễn ra hoàn hảo chừng nào các vấn đề còn trong tầm hiểu biết, kiểm soát của người sếp, thậm chí quyền lực tập trung còn giúp việc ra các quyết định được nhanh chóng, quyết đoán hơn. Nhưng dần dần, người sếp trở thành nút thắt khiến công ty không thể lớn thêm được, không thể mở rộng, rẽ ngang sang những con đường mới mà người sếp chưa từng nghĩ đến.
Các công ty, hội nhóm gia đình, đồng hương có ưu điểm về sự đoàn kết. Nhưng đến một lúc nào đó, họ cũng nên mở cửa đón nhận những người bên ngoài bước vào, đem đến những góc nhìn khác biệt, tránh đi vào lối mòn. Cảm giác bắt đầu phải tự vấn, nghi ngờ ý kiến bản thân thật là khó chịu, ai cũng đồng ý với ta thì hay biết mấy. Thế nhưng, tự nghi ngờ bản thân chính là dấu hiệu bạn đang trưởng thành hơn.
Khi tổ chức các nhóm học poker, mình luôn phải cố gắng tránh những vấn đề trên. Rủ những người chơi có phong cách, trường phái hơi khác so với mình giao lưu với tư cách khách mời. Sẽ rất khó học được từ nhau nếu ai cũng chơi giống nhau. Nhấn mạnh với mọi thành viên, đặc biệt là các cựu học trò, rằng mọi ý kiến đều được chào đón, đừng vì nể mình mà biến các cuộc trao đổi thành “chờ xem Jul nói gì“. “Nếu bạn tham gia thảo luận, có thể trông bạn thật ngốc nghếch trong vài phút. Nếu bạn không bao giờ tham gia thảo luận, bạn sẽ ngốc nghếch cả đời“.
Trong nhóm của bạn, mọi người có thường xuyên trông ngốc nghếch chưa?