Một chủ đề thảo luận khá hay mới được nêu ra trên mạng xã hội: “Poker là 1 trò chơi đơn độc. Để đi xa trong poker, cần đi một mình“.
Quan điểm của mình rất rõ ràng: trong thời đại này, Poker càng ngày càng gần với một môn khoa học hơn là một ngành nghệ thuật sáng tạo. Và cũng như bất cứ bộ môn khoa học nào khác, cộng tác, liên kết là xu hướng tất yếu. Đã qua rồi cái thời của Einstein, Darwin, Tesla… khi 1 bộ óc siêu việt ngồi 1 mình ở nhà rồi viết nên cả 1 học thuyết vĩ đại. Ngày nay, tất cả những nhà khoa học giỏi nhất đều làm việc theo nhóm, trong những team có thể lên đến hàng nghìn người, với sự kết hợp của nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, công ty, chính phủ khác nhau. Hạt Higgs (hạt của Chúa) được khám phá sau nửa thế kỷ làm việc của hơn 6000 nhà khoa học. Tương tự, khi vaccine Covid-19 được tìm ra, không một ai có thể tự đứng ra nhận công lao về mình (dù người hâm mộ tổng thống Trump có thể nghĩ khác), mà nó đến từ sự kết hợp của rất nhiều người kéo dài từ 2003 khi dịch SARS – tiền thân của Covid – xuất hiện lần đầu.
Làm khoa học cần đồng đội, không chỉ vì sự kết hợp chia sẻ nhiệm vụ thông thường, sự chuyên môn hóa, hoặc yêu cầu về máy móc, thiết bị hiện đại mà không một cá nhân nào có thể tự làm được. Điều quan trọng nhất, là để có nhiều ý kiến trái chiều, để khi ta sai lầm (về một giả thuyết, hay trong 1 phép tính), đồng đội của ta sẽ chỉ ra cho ta “Mày sai rồi“. Nếu như ở đa số lĩnh vực khác, người ta sẽ tự biện minh, tranh cãi bằng những lý lẽ như “mỗi người một cách nghĩ“, “ở đây không có đúng sai“, thì hiếm nhà khoa học nào có thể cố chấp cãi rằng mình đúng, sau khi người khác đã chỉ ra rõ ràng những phản chứng, những sai lầm trong tính toán, trong logic, trong thống kê. Khoa học bùng nổ và đạt được những thành tựu khổng lồ so với các ngành khác, chính nhờ việc loại bỏ cái tôi, loại bỏ khái niệm “sự thật tương đối”, loại bỏ “niềm tin cá nhân“. Những người chơi poker hàng đầu thế giới hiện nay cũng vậy, đa số đều làm việc theo team, và cũng chuyên môn hóa (người chạy giả lập, người lọc cơ sở dữ liệu, người thu thập thông tin đối thủ…). Và họ cũng bớt tốn thời gian lý luận “tao đúng mày sai“, mà thường sẽ nhờ đến sự phân định của phần mềm, dữ liệu, thống kê, giống những bộ môn khoa học khác.
Khi mình tìm kiếm đồng đội, partner, cái mình nhìn vào không phải trình độ của họ, mà là cách tiếp cận của họ với poker có đủ khoa học không, để tránh những tranh cãi vô bổ không đi đến đâu vì mỗi người một ý. Kiến thức poker những năm gần đây đã thăng tiến vượt bậc, qua rồi cái thời của những thiên tài đơn độc như isildur1, Tom Dwan, Stu Ungar…. “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau“.