Suy đoán vô tội

(Innocent until proven guilty? Nah)

Trong hệ thống pháp luật của đại đa số các nước phát triển, đều có 1 quy tắc bất biến: trách nhiệm chứng minh phạm tội thuộc về bên tố cáo. Nếu không có đủ bằng chứng kết luận, ta phải công nhận sự vô tội của người bị tố cáo. Điều này là hợp lý, cả về lý, logic (chứng minh sự tồn tại của 1 thứ luôn dễ hơn phủ nhận, chẳng hạn không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của ma quỷ), lẫn về tình (việc 1 người bị buộc tội oan thường đem lại nhiều khổ đau, cảm giác bất công hơn việc để 1 kẻ phạm tội lọt lưới).

Thế nhưng khi nghĩ sâu hơn, ta thấy, quy tắc này còn quá sơ sài. Nó chỉ có 2 thái cực trắng đen, innocent (vô tội – 0%) hoặc guilty (phạm tội – 100%). Không hề có khoảng xám ở giữa. Cách nghĩ đúng đắn hơn, giống như trong mọi lĩnh vực khác, là nghĩ theo xác suất, bao nhiêu % họ có tội? Có rất nhiều thứ làm thay đổi suy đoán về con số này:

  • Bằng chứng (và kể cả bằng chứng cũng không phải 100%, vì có thể là bằng chứng giả)
  • Lời thú tội (cũng có thể là nhận tội thay người khác)
  • Nhân chứng (tùy độ uy tín, số lượng nhân chứng)
  • Uy tín của người bị buộc tội
  • Lập luận về động cơ
  • Xác suất thống kê, nhất là khi những điều xảy ra quá khó tin, chẳng hạn nếu 1 người mới học chơi cờ vua được 3 ngày rồi bỗng dưng đánh 1 ván hoàn hảo thắng Magnus Carlsen, dù sau đó không giải thích được 1 nước đi nào, thì xác suất cao (99.99%) người đó đã gian lận, dù ta không có bằng chứng. Hoặc nếu bạn chơi poker ở 1 nơi mà chủ nhà call all in với 72o rồi ăn AA 10 ván liền, tốt nhất nên đứng dậy đi về, dù trên lý thuyết, tất cả có thể chỉ là ngẫu nhiên.

Rõ ràng, nếu chỉ nghĩ theo 0% và 100%, nếu khăng khăng phải có bằng chứng, phải là 100% chắc chắn mới có thể kết tội 1 người, thì cũng giống kiểu chơi poker phải chắc chắn 100% ăn mới dám theo – 1 cách chơi, cách nghĩ không tối ưu. Nếu tồn tại 1 siêu máy tính biết dùng tất cả các dữ liệu trên đời rồi đưa ra con số dự đoán rất chính xác về khả năng 1 người phạm tội, ví dụ 82%, thì 1 phương án hoàn hảo hơn sẽ là bắt người đó chịu phạt với mức độ 82% mức thông thường, như đi tù 8.2 năm thay vì 10 năm, nộp phạt 82 triệu thay vì 100 triệu, vv…. Sẽ có những lúc máy sai, kết tội oan, nhưng tính trung bình ra vẫn sẽ tốt hơn là đợi đến 100% mới ra quyết định.

Tất nhiên đây chỉ là giả định, vì chúng ta chưa đủ phát triển đến mức có 1 cỗ máy toàn năng như vậy, và nếu có, vẫn sẽ có những tranh cãi khác, chẳng hạn yếu tố tình cảm khi bị buộc tội oan nêu trên. Nhìn chung, nếu muốn kiện 1 người ra tòa, ta vẫn phải tuân theo quy tắc 0%/100%. Nhưng không phải lúc nào ta cũng cần kiện ra tòa. Nếu dựa trên suy đoán của bạn, sàn poker bạn chơi 50% có gian lận, là đủ để nghỉ đánh. Nếu tin rằng 3 thằng kia 80% đánh team, là đủ để không cho phép họ tham gia giải đấu do mình tổ chức, nếu thực sự quan tâm đến yếu tố toàn vẹn, trung thực, liêm chính của giải, thay vì chỉ quan tâm đến tiền lệ phí họ đóng. Bạn không chính thức buộc tội họ, nhưng bạn có thể nghi ngờ, và hành động dựa trên nghi ngờ đó. Không có gì sai khi hành động theo %, miễn là % đó dựa trên 1 cơ sở rõ ràng, và bạn chịu nhận sai, cập nhật con số % mới khi có thêm thông tin mới.

Nhắc lại là “cơ sở rõ ràng” nhé. Bị bad beat 3 ván liền rồi kêu là Pokerstars bịp, hoặc kết tội chồng ngoại tình chỉ vì thấy chồng đẹp trai, hay phải làm việc xa nhà, đều chưa phải là cơ sở rõ ràng.

Tham khảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *