Rất nhiều bạn nhắn tin muốn mình chia sẻ về quá trình những ngày tháng đầu trên con đường chuyên nghiệp của mình. Nó là 1 chặng đường rất dài, với nhiều bài học mình nghĩ là hữu ích cho cộng đồng, dù hãy nhớ rằng chúng ta không ai giống ai, xuất phát điểm khác nhau, khả năng, sở thích, sở trường sở đoản, hoàn cảnh khác nhau, những gì là đúng với mình, chưa chắc đã đúng khi áp dụng vào trường hợp của bạn.
Đầu tiên, giới thiệu rõ hơn về bản thân: mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình nề nếp, trung lưu. Từ bé đến lớn, mình đã có năng khiếu về tất cả những gì dính đến logic, tư duy, tính toán, từ lớp 1 đến lớp 12 luôn thuộc top đầu, giải nhất vật lý Hà Nội, thủ khoa đầu vào cấp 3 đại học tổng hợp Hà Nội (dù sau đó chọn vào Ams vì học cùng các bạn chuyên Anh chuyên Pháp xinh hơn), giải quốc gia Vật lý, đứng đầu trường đại học bên Pháp, hoàn thành khóa thạc sĩ 2 năm bên Mỹ trong 1 năm với GPA tuyệt đối 4.0, và khi đi làm bên Pháp thì lúc nào cũng là nhân viên giỏi nhất gánh vác công ty. Từ năm 3 đại học trở đi (bắt đầu có học bổng) là mình không phải xin 1 xu của bố mẹ, tự lập hết nơi đất khách. Công việc của mình thời đó cũng rất ổn, thu nhập loanh quanh 7-10k€/tháng tính cả làm freelance, đủ tiền tự mua nhà ở Paris, dư ra ít mua nhà ở Đà Nẵng hoặc biếu bố mẹ. Thế nên, mình đến với poker, chưa bao giờ là vì tiền.
Nhưng IT không phải tình yêu của mình. Mình thuộc loại giỏi IT (không phải top pro thôi), cũng thích IT, nhưng gọi là yêu thì không. Hồi đó hết 2 năm đại cương, chọn ngành, chọn vào IT cũng chỉ vì nhiều thằng bạn thân của mình vào đó, chứ 20 tuổi ngây ngô biết quái gì mà chọn nghề. Nên sau 5 năm đi làm, bắt đầu thấy muốn đổi gió. Nhưng tính cách của mình thì không hợp với việc ngồi 1 chỗ trong 4 bức tường văn phòng. Mình muốn 1 công việc tay trái, nhưng phải giống nghề IT, có thể vác laptop ra bãi biển với cục phát 3G là đủ làm việc. Thế là mình lên google “location independent jobs” (nghề tự do về chỗ làm), thấy 1 đống nghề không khả thi như tiểu thuyết gia, nhạc sĩ, họa sĩ… Chỉ có 1 nghề duy nhất đọng lại: Poker, cảm thấy quá hợp với mình, vì liên quan đến logic, tư duy, toán học, lại có thể tự chủ công việc một cách tự do.
Khác với đại đa số mọi người: chơi poker 1 thời gian, thấy thích rồi chọn go pro, mình chọn go pro với Poker từ trước khi chơi hand nào. Thế nên, ưu điểm là mình không phung phí bất cứ thời gian nào, không bị mắc thói quen xấu nào, tối ưu hóa con đường ngay từ đầu một cách bài bản.
Hồi đó chưa có tài liệu video, công cụ nhan nhản nhiều như bây giờ. Mình google “best poker books“, xem 20 kết quả đầu tiên, tìm ra 3 quyển sách được nhắc đến nhiều nhất. Mỗi lần học 1 lĩnh vực mới, mình luôn đọc ít nhất 3 quyển sách của 3 tác giả khác nhau, để có được nhiều góc nhìn, ý kiến đa chiều, tránh bị bias. Ba quyển đầu tiên của mình là: Poker for Dummies, Theory of Poker của David Sklansky, và Little Green Book của Phil Gordon. Ngay trong 3 cuốn sách này đã chỉ ra lộ trình để chơi poker chuyên nghiệp, những khó khăn, vấn đề, cạm bẫy… thế nên mình đã biết về quản lý bankroll, variance, vấn đề result oriented… từ trước khi thua 1 đồng nào cho poker.
Sau khi đọc xong (mất 2 tháng), mình bắt đầu đi chơi thử, đánh cash live. Đầu tiên là với hội bạn cũ đại học, rồi 1 vài nhóm Việt Nam ở Paris. Dù đa số trong số họ đã chơi poker từ nhiều năm (nhiều ông lúc mới gặp khoe anh ngày xưa từng hit tour này tour kia giống hệt 1 số bạn ảo tưởng ở Việt Nam bây giờ), còn mình chưa chơi bao giờ, nhưng ngay từ đầu mình luôn là người chơi giỏi nhất nhóm, đúng như Brentford đá với MU, vì các bạn ạ, sự khác biệt giữa học hành bài bản và chơi theo bản năng, theo “kinh nghiệm” là lớn lắm. Trong 1 đêm, mình ăn được 970€ với buy in 20€, chơi 10 buổi thì thắng 8, 9, và những chiến thắng liên tục này củng cố cho mình về suy nghĩ: poker không phải là cờ bạc đỏ đen, ta có thể dùng kỹ năng để kiểm soát vận may, để biến nó thành 1 nghề.
Những ngày đó, mình vừa làm IT, vừa dành thêm thời gian rảnh rỗi đọc thêm nhiều sách poker nữa (chắc đâu đó 30 quyển). Cũng may là quyển nào cũng nhắc đi nhắc lại cảnh báo về sự ảo tưởng, nên dù bắt nạt được mấy anh bạn Việt Nam chơi giải trí, nhưng mình chưa đến nỗi nghĩ mình đã là pro. Tình cờ thế nào, ngay cạnh căn hộ mình ở có 1 CLB poker (Aces Up Poker Club thì phải, ở đường Parmentier), chỉ cách 5′ đi bộ, nên mình ghé qua thăm quan, rồi gia nhập thành viên. Đây là 1 CLB đúng nghĩa, như kiểu ở nhà văn hóa thanh niên: mỗi người đóng phí thành viên tượng trưng (hình như 30€/tháng), rồi mỗi tối đến đánh tour 9 người (Sit N Go) tính điểm, kiểu như hạng 9 được 0 điểm, hạng 8 được 1 điểm… vô địch được 10 điểm. Hết tháng, 9 người có điểm cao nhất được vào bàn final chung kết, và 3 người đứng đầu sẽ được quà (sách poker, vé đi đánh tour ngoài casino, bộ bài, bộ phỉnh…). Mình giao lưu ở đó cũng phải cả năm trời. Có 1 số bạn từng nói rằng “poker mà không thắng thua tiền thì mất vui“, “chả ai muốn chơi poker mà không có dính đến tiền“, thế nhưng sự tồn tại của CLB này là bằng chứng rõ ràng nhất cho quan điểm ngược lại. Hàng chục thành viên của CLB nhộn nhịp mỗi tối đến thi đấu với nhau, không hề vì tiền, mà vì poker thực sự rất vui. Có lẽ poker ở phương Tây cũng giống như tiến lên, tá lả ở Việt Nam, người người nhà nhà chơi với nhau vì vui, không cần vì tiền. Mình vẫn còn nhớ rất nhiều thành viên trong đó: 1 anh bạn mỗi ván đánh xong là lấy cuốn sổ ra ghi chép, 1 anh khác tự thừa nhận mình là nhà ảo thuật gia chuyên nghiệp, đừng để anh ta chia bài, vì anh ta có thể chia thế nào cũng được (và biểu diễn đúng thật cho bọn mình thấy), 1 cô gái gốc Nga rất thông minh, và 3 thành viên trong CLB đó mà chưa bao giờ mình vượt qua họ trên leader board của tháng. Dù đều là người chơi nghiệp dư, nhưng các thành viên ở đây chơi rất tốt, nghiêm túc, sau mỗi buổi chơi lại có captain (đội trưởng) – chủ CLB, 1 người chơi chuyên nghiệp – đến hướng dẫn, thảo luận hands, giải đáp thắc mắc miễn phí, chỉ để phát triển cộng đồng, giúp mọi người tiếp cận với poker đúng đắn hơn. Những gì mình làm với cộng đồng Việt Nam những năm qua, 1 phần cũng nhờ ảnh hưởng, được truyền cảm hứng từ anh bạn captain này.
Một đời người dành ra cỡ 80 000 giờ làm việc. Thế nên tiếc gì 800 giờ (1%) để suy nghĩ cặn kẽ, chuẩn bị kỹ càng cho lựa chọn nghề nghiệp của mình? Như các bạn thấy, trước khi đi bước chuyên nghiệp đầu tiên, mình đã chuẩn bị sẵn thật tốt: có vốn, có kiến thức, có tư duy, cách nghĩ đúng đắn, tất cả để tăng xác suất thành công cho lựa chọn của mình. Và phải đảm bảo công việc đó phải vui, bạn phải yêu công việc đó thực sự (sẽ nói kỹ hơn trong các phần sau).
(Xem tiếp: phần 2)