Con đường Jul #GoPro (phần 4): khó khăn, trở ngại, và bài học

(Xem phần 3)

Đọc qua các phần trước, bạn có thể nghĩ cách mình lên kế hoạch cho sự nghiệp poker là rất chuyên nghiệp, cẩn thận, chu đáo. Thế nhưng trong 1 ván bài, dù làm mọi thứ chính xác, đúng đắn, bạn vẫn có thể thua, và trong cuộc sống cũng vậy, dù lên kế hoạch kỹ lưỡng, chi tiết đến đâu, sẽ luôn có đầy rẫy những trắc trở. Ai cũng có một kế hoạch cho đến khi họ bị đấm vào mồm” – Mike Tyson. 4-5 năm chuyên nghiệp đầu tiên của mình khá nhiều trắc trở, với những bài học mà vào thực tế mới nhận ra, thấu hiểu được.

Từ những thứ nhỏ nhặt như cách hành xử trên bàn: Sau khi đã xem hàng trăm video của cao thủ thi đấu, hiển nhiên mình cũng bị nhiễm thói bắt chước thần tượng. Suốt 1 thời gian dài, mỗi lần in hand, ánh mắt mình lại trừng trừng như đang nhìn kẻ thù, ra vẻ soi thấu tim gan đối thủ, giống Phil Ivey, Mike McDonalds hay Stephen Chidwick. Cho đến 1 ngày, 1 vị bác sĩ Việt Kiều chơi tại New World tâm sự với mình rằng ánh mắt ấy khiến ông ta cảm thấy rất không thoải mái, ông ta chơi poker để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, không phải để tỏ ra xem ai “alpha male” hơn. Từ đó, mình bỏ hẳn kiểu nhìn ấy, cố gắng hòa đồng, vui vẻ hơn với những người chơi giải trí trên bàn. Hoặc chuyện xem bài preflop, rất nhiều người có thói quen đợi đến lượt mới bắt đầu xem bài, và mình cũng vậy, suốt nhiều năm. Lý lẽ đưa ra là để tránh lộ cảm xúc khiến người ngồi trước biết được và điều chỉnh, “tốt nhất dành thời gian đó quan sát các đối thủ khác”, “xem tivi xem, top pro nào cũng đợi như vậy”. Nhưng sau 1 thời gian chơi đủ lâu, đã kiểm soát được cảm xúc, sự tập trung, rất khó có chuyện ai đó đọc được ngôn ngữ cơ thể của mình. Việc đợi đến lượt mới xem bài cũng khiến tất cả đối thủ tập trung vào bạn khi bạn xem bài, nếu thực sự để lộ điều gì thì càng dễ bị nhận ra. Xem bài trước giúp mình hành động preflop rất nhanh, không tốn thời gian của bản thân và mọi người, bởi khi chơi poker live, thời gian chính là lợi nhuận.

Cho đến chuyện, poker không giống với những trận đấu võ đài, nơi 2 võ sĩ đường đường chánh chánh lao vào nhau dùng kỹ năng phân định thắng thua, mà nó giống với đánh nhau đường phố, nơi ta phải rất cẩn thận với từng chiêu trò đánh lén, đánh hội đồng. Rất nhiều cạm bẫy, trò bẩn, đánh dấu bài, đánh team, gian lận, lừa tiền đầy rẫy, phổ biến trong cộng đồng live ở Việt Nam. Hay có lần mình qua casino Naga World ở Phnom Penh chơi, sau khi ăn được 1 mớ ở bàn $2/5 thì game bể. Dạo bước quanh casino, mình thấy 2 thằng Tây đang đánh heads up ở bàn $10/20. Đứng ngoài xem, mình thấy 2 ông này trình độ đúng fish, ngáo ngơ, mắc lỗi tùm lum như không biết chơi. Thế là mình cũng buy in vào ngồi cùng (dù bankroll thời đó chưa đủ để thoải mái chơi $10/20). Nhưng lạ thay, lập tức các đối thủ của mình như biến thành những người khác, ra vào hợp lý, sizing chuẩn chỉ, khiến các exploit của mình ban đầu phản tác dụng hoàn toàn. Được 1 lúc, mình tình cờ nghe được 2 thằng này nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp (chắc nghĩ mình không hiểu), mới biết bọn nó là thợ, quen nhau, và màn heads up lúc nãy chỉ là màn kịch để dụ những con gà như mình vào chăn.

Một bài học khác về kỹ năng mềm trong poker: trong 1 lần sang Đông Lào du lịch, mình được bạn (1 giám đốc ngân hàng) giới thiệu đến chơi home game (tiền ảo) với nhóm Việt kiều, đại đa số là nghiệp dư hoàn toàn. Và tất nhiên là mình thắng lớn (dù cũng run good), ngay buổi đầu tiên buy in 10 triệu đồng âm phủ cash out 220 triệu, tip chủ nhà 20 triệu, nhưng cũng từ đó không bao giờ được rủ đến chơi nữa. Trên bàn hôm ấy, người thắng nhiều thứ nhì là 1 thợ phủi, lời đâu đó 50 triệu, nhưng chẳng ai để ý đến anh ta, mà sự chú ý chỉ hướng vào chuyện mình thắng hết ván này đến ván khác, ăn max value với những cú overbet, thin value sát sàn sạt hoặc bắt bluff bottom pairs như đọc được bài đối thủ (đúng là đọc được thật). Bạn thợ này nghe đâu sau đó tiếp tục được rủ đến chơi, mỗi buổi ăn nhẹ nhàng vài chục triệu, đúng nghĩa “under the radar” kiếm vài ba tỷ. Câu chuyện này làm mình nhớ đến giai thoại về Stu Ungar – người chơi Gin Rummy (1 dạng bài tương tự tá lả / phỏm) giỏi nhất mọi thời đại. Sau khi không còn đối thủ ở quê nhà New York, anh chuyển đến Las Vegas, kinh đô của bài bạc. Đối thủ đầu tiên anh tìm đến thách đấu là Harry ‘Yonkie’ Stein, vốn được coi là người giỏi Gin nhất thế giới thời đó. Stu không những giành chiến thắng, mà còn hủy diệt Stein với tỉ số cách biệt 86:0, khiến Stein giải nghệ luôn. Sau trận đấu, anh bị cha đỡ đầu mắng cho 1 trận “Mày chơi giỏi, nhưng còn phải học nghệ thuật chiến thắng“. Và quả nhiên từ sau đó, không còn ai chịu đánh Gin ăn tiền với Stu nữa, giải đấu nào có Stu tham gia là không ai tham gia, khiến anh phải chuyển sang chơi poker (trở thành 1 trong những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử poker, người duy nhất 3 lần vô địch WSOP Main Event, nhưng những người quen Stu cho rằng, anh chơi Gin Rummy giỏi hơn chơi poker nhiều lần). Bài học rút ra: “Thắng là 1 chuyện, nhưng nghệ thuật là phải thắng sao cho đối thủ còn muốn phục thù, không để họ nhận ra rằng họ không có cơ hội, không để họ thấy mình ăn quá nhiều“. Những người say sưa chinh phục poker như 1 trò chơi trí tuệ thường sẽ không nhận ra, hoặc quên mất điều này. Nếu lợi nhuận là mục tiêu tối thượng với bạn, hãy chú ý rất kỹ đến yếu tố này.

Ngay như chuyện chơi poker tour live 1 thời gian dài, cũng là 1 lựa chọn sai lầm. Đứng từ góc độ cảm xúc đem lại, sự phấn khích, tự hào, thì chẳng có gì bằng đánh tour live, vì vậy mình vẫn khuyên bạn bè nếu muốn chơi poker cho vui, mục đích là giải trí, thì đánh tour live là hay nhất, lại hợp pháp, cũng an toàn hơn, ít bị gian lận hơn. Nhưng đứng từ góc độ muốn nâng cao kỹ năng, thì đánh tour live là lựa chọn dở nhất. Đánh cash deep stack với nhiều action phức tạp ở turn, river, rõ ràng sẽ khiến bạn hiểu sâu lý thuyết hơn rất nhiều, và chơi online nhiều bàn với hàng trăm hands mỗi giờ, cũng khiến bạn tích lũy kinh nghiệm, cải thiện trực giác nhanh hơn nhiều so với việc lề mề 15-20 hands mỗi giờ khi đánh live. Giữa 2 người A và B cùng xuất phát điểm, A chơi tour live 3 năm, còn B chơi cash online 2 năm rưỡi, sau đó dành 6 tháng chơi tour live cho quen field và quen dynamics của tour live, thì gần như chắc chắn B sẽ giỏi hơn A cả trong đánh cash lẫn đánh tour. Không có cách gì nâng cao trình độ hiệu quả bằng chơi cash online (ở những sàn quốc tế như Pokerstars, PartyPoker, ACR… chứ không nói sàn Tàu sàn Việt), nếu bạn đủ bản lĩnh, kiên trì chấp nhận mình sẽ mất 1 thời gian dài bị mấy thằng thợ Đông Âu bàn $0.05/0.1 vả sấp mặt, trong khi bạn bè cày game live, cày sàn Tàu kiếm được rất nhiều. Suốt quãng thời gian tập trung vào tour live, so với Việt Nam, có thể tự tin mình thuộc nhóm giỏi, nhưng chỉ cần so với châu Á, mình thấy rõ bản thân chưa bằng được Mike Takayama, Lester Edoc, SJ Kim, Iori Yogo… Họ đi trước mình từ lâu, lại được sống trong môi trường chơi poker thoải mái hàng ngày (trong khi ở Việt Nam thời trước kiếm đâu ra tour lớn luyện hàng tuần như bây giờ), nếu chỉ dựa vào việc vài tháng lại bay sang Philippines, Macau, Campuchia chơi 1 series, thì làm sao đuổi kịp họ được? Chỉ cần nhìn vào việc, ngay sau khi vô địch 2 tour cỏ APT, mình đi ngang bàn tour high roller đang chạy, và lập tức bao nhiêu người mời gọivào đây làm 1 chén đi, nhà vô địch” là đủ thấy, trong mắt các top thợ châu Á, mình thời đó vô hại đến thế nào.

2 lý do lớn cho những vấn đề của mình. Thứ nhất, là suốt quãng thời gian dài, mình gần như cặm cụi, mò mẫm đi 1 mình. Không có 1 ai ở Việt Nam thời đó có cùng cách nhìn, chí hướng, mục tiêu, cách tiếp cận với poker giống mình. Tất nhiên, mình có thể học hỏi được từ 1 vài anh lớn kinh nghiệm khi đi du đấu Macau, hay cách exploit chơi với field, Philippines khác Singapore thế nào… nhưng chỉ cần bàn về chiến thuật 1 chút là rất khó thảo luận sâu. Trong khi mình muốn mọi thứ rõ ràng, range đối thủ thế nào, equity của ta, pot odds bao nhiêu (chứ đừng nói đến các khái niệm GTO nâng cao sau này), thì đại đa số sẽ đưa ra ý kiến kiểu “tôi nghĩ ở đây nó đang bluff“. Chuyện sử dụng phần mềm như icmizer/HRC để kiểm chứng chuyện “có nên call all-in với 88 ở đây không” cũng là không tưởng. Tất nhiên, các cao thủ kinh nghiệm thường có cách đọc đối thủ rất giỏi, và họ thường xuyên đúng, nhưng đáng tiếc, họ không thể truyền thụ được kinh nghiệm (có phần bản năng, trực giác) ấy cho người khác [6]. Và cũng rất khó thảo luận, phân định đúng sai, cùng nhau tiến bộ, bởi làm sao biết được cảm giác của 1 người có đúng không? Người Việt (Kiều) duy nhất cũng suy nghĩ về poker 1 cách hiện đại mà mình biết, là anh Linh Trần [7] (thời đó là số 1 Việt Nam all time money list), nhưng đáng tiếc anh sống ở Campuchia, không dùng mạng xã hội hay các phương tiện liên lạc phổ thông, tính cách hướng nội ít chia sẻ, nên mình cũng không trao đổi với anh được nhiều.

Thế nhưng, lý do thứ 2 (xem phần 5), mới là tác nhân chính cho việc sự nghiệp của mình chững lại mất 1 thời gian dài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *