Học Poker, và học từ Poker

Có thể bạn chưa biết:

  • Đại học “khối A” số 1 thế giới MIT có khóa dạy poker. Bạn cũng có thể xem 1 vài bài giảng miễn phí trên youtube
  • Đại học danh giá Johns Hopkins (đứng thứ 9 thế giới xếp hạng năm nay, và số 3 thế giới về xác suất thống kê) cũng có 1 khóa học về poker, do giáo sư Avi Rubin đứng lớp. Gần 250 sinh viên đã đăng ký học năm qua
  • Đại học UCLA (5 năm liền xếp hạng 1 trường đại học công ở Mỹ) có 1 khóa học về Poker và xác suất, giảng bởi giáo sư Rick Paik Schoenber
  • Nhiều đại học hàng đầu khác trong Ivy League như Havard, Yale tuy không trực tiếp đưa poker vào giảng dạy, nhưng cũng có những CLB ngoại khóa trong trường, và tổ chức giải đấu hàng năm giữa các trường này với nhau.
  • Nhìn ra ngoài nước Mỹ, đại học University of Ottawa (top 10 tại Canada) có khóa Poker 101 giảng bởi tiến sĩ Hofstra, với 1 câu trích dẫn: “Xác suất thống kê chính là chìa khóa, là chỉ dẫn cho cuộc sống
  • Đại học IIM (Indian Institute of Management) ở Ấn Đồ dạy Competitive Strategy: The Game of Poker bởi giáo sư Deepak Dhayanithy
  • Tại Đài Loan, giáo sư David Tai dùng poker để dạy học tại 3 trường khác nhau: National Tsing Hua University, National Chengchi University, National Dong Hwa University
  • Tại đại học Oxford, Anh, nhà vô địch EPT Liv Boeree được mời đến giảng về Khoa học phía sau Poker“. Cô cũng được TED Talk (talk show nổi tiếng bậc nhất thế giới) mời đến thuyết trình về những điều học được từ poker áp dụng trong cuộc sống, 1 video ngắn rất hay, đáng xem

Còn tại Việt Nam, các “chuyên gia” luôn miệng phê phán: “poker chỉ là cờ bạc“, “poker khác mịa gì đánh liêng“, “toàn may rủi“, “bịp“, “bọn thượng đẳng bày đặt tôn poker lên“, “đừng có cổ súy cho poker“, “mày thích poker thì cứ im im thôi đừng ca ngợi nó thái quá“… Không phải ngẫu nhiên những đại học hàng đầu kể trên chọn dạy poker cho sinh viên, chứ không phải 1 trò chơi nào khác. Dạy poker không hẳn là để kiếm tiền từ poker, mà quan trọng là luyện cách nghĩ, cách kiểm soát bản thân. Suy nghĩ theo xác suất, đưa ra quyết định theo EV là kỹ năng tối quan trọng mà lại bị bỏ qua, không hề được dạy ở trường lớp. Sự thiếu sót này khiến cho rất nhiều người, kể cả 1 số người rất giàu, rất thành đạt vẫn mắc phải vô vàn lỗi suy nghĩ ngô nghê trong cuộc sống. Poker lồng ghép những bài học hữu ích ấy vào dưới dạng 1 trò chơi cuốn hút, khiến người chơi dần dần có thể cải thiện được những kỹ năng này.

Tất nhiên bạn có thể nói: đấy là ở các nước văn minh tiến bộ thì nó thế, còn xứ Việt Nam ta toàn thành phần thất học, nghèo, kém hiểu biết, đi quảng bá poker khác gì nối giáo cho giặc, thả hổ vào rừng, chỉ toàn sinh ra những con người nghiện cờ bạc, thua hết, mất hết, bán nhà, mất việc, vay nợ mà thôi. Mình thấy suy nghĩ này khá ấu trĩ, giống kiểu phản đối dạy sex education về giới tính, cũng sợ “nối giáo cho giặc”, cuối cùng Việt Nam vẫn đứng top thế giới về nạo phá thai vị thành niên. Cách giáo dục tốt không phải là cấm đoán, coi như 1 thứ không tồn tại, mà là hướng dẫn người ta hiểu biết hơn. Một con dao có thể dùng để điêu khắc, để nấu ăn, cũng có thể dùng để giết người, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào. Theo mình, đa số những người nghiện poker đến mức tán gia bại sản, thất bại, vỡ nợ, thường đến từ chính họ, thiếu bản lĩnh, thiếu kỉ luật, sai lầm trong cách nghĩ. Nếu không bể bank với poker, trước sau gì họ cũng bể bank với bóng bánh tài xỉu, với crypto forex, với những quyết định kinh doanh/đầu tư cảm tính, sai lầm, hay sụp bẫy đa cấp và các trò lừa đảo khác. Nếu bạn chơi poker đến mức vỡ nợ, đừng đổ lỗi cho poker, hãy tự nhìn lại bản thân. Thậm chí, có rất nhiều người vốn nghiện cờ bạc, từ lúc tiếp xúc với poker đã từ từ thay đổi suy nghĩ, dần dần làm lại được cuộc đời. Vì vậy, chính tại 1 đất nước mà người dân còn kém hiểu biết, suy nghĩ cảm tính, duy tâm nhiều, ta lại càng nên giúp họ nhận ra sai lầm trong cách nghĩ, bắt đầu bằng những bài học đơn giản từ trò chơi poker.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *