Sinh mệnh con người

Hôm nay ở nhà giãn cách xã hội, rảnh rỗi thử viết về “giá trị của sinh mệnh“. Mình sẽ dùng lý trí và logic để bàn về chủ đề nhiều khi hơi cảm tính này.

“Sinh mệnh con người là vô giá”:

Đây là một câu nói ưa thích được chia sẻ thường xuyên, thậm chí là kim chỉ nam cuộc đời đối với nhiều người. Nhưng cá nhân mình từ bé đến giờ chưa bao giờ nghe theo, tuân thủ một lời dậy nếu mình không hiểu nó. Thói quen của mình là đặt câu hỏi “Tại sao?” (đến mức vợ nhiều khi nổi cáu, “em bảo anh chuyển tiền cho em thì anh cứ chuyển đi, sao cứ hỏi tại sao?“).

Tại sao sinh mệnh con người là vô giá?“. Bạn có thể nói nó vô giá vì một khi mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. Nhưng nếu vậy cái gương trong phòng mình cũng là vô giá, vì nếu vỡ sẽ không gắn lại được. Nếu sinh mệnh con người là vô giá thật, thì khi đi mua xe hơi, bạn phải sẵn sàng chọn mẫu xe đắt chênh lệch hơn 1 tỉ VND nhưng hệ thống túi khí an toàn hơn 0.001%, bởi 0.001 lần vô cực > 1 tỉ. Muốn biết mạng của bạn có vô giá thật không, cứ hỏi mấy anh chị làm bảo hiểm nhân thọ là sẽ sớm có đáp án.

Quan niệm sinh mệnh vô giá chỉ đúng trong tiểu thuyết, các bài văn lãng mạn, hay sách giáo dục công dân. Trên thực tế, việc định giá sinh mệnh con người là vô cùng cần thiết trong đại đa số lĩnh vực thiết yếu: từ kinh tế, chính trị, y tế, môi trường, xây dựng, đến quốc phòng. Chẳng phải tự nhiên mà các lãnh đạo quốc gia đều phải đau đầu với bài toán “cứu người hay cứu nền kinh tế” trong thời đại dịch Covid.

Ý kiến của mình:

  • Việc tuyên truyền sinh mệnh vô giá là cần thiết, giúp cộng đồng hình thành bản năng quý trọng mạng sống con người. Còn vào thực tế, bạn chỉ cần hiểu rằng mạng sống rất giá trị, không thể dễ dãi phung phí, nhưng cũng đừng để bị bó buộc bởi giáo điều. Cần phải chấp nhận rằng nó không vô giá, và sẵn sàng đưa ra các quyết định cần thiết dựa trên mức giá đặt ra.

“Sinh mệnh mọi người đều giá trị như nhau”

Mệnh đề này là hiển nhiên nếu bạn vẫn nghĩ sinh mệnh là vô giá, bởi vô cực thì luôn bằng vô cực. Nhưng nếu đồng ý rằng mạng sống có mức giá hữu hạn của nó, thì bạn cũng phải chấp nhận có người này giá cao hơn người kia. Nếu mạng sống ai cũng như nhau, thì Lê Lai quên mình cứu Lê Lợi làm gì cho mất công? Hay câu hỏi đạo đức quen thuộc: nếu mẹ bạn và một người xa lạ rơi xuống nước, bạn sẽ cứu ai? Đối với bạn, mẹ bạn giá trị hơn người xa lạ. Đối với nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi quan trọng hơn Lê Lai. Đối với hãng bảo hiểm nhân thọ, mỗi người có giá trị hoàn toàn khác nhau. Đối với xã hội, với đất nước, mỗi người có mức độ cống hiến khác nhau, và dù chính phủ có không nói hẳn ra, nhưng chắc chắn khi đưa ra các quyết sách ảnh hưởng tới mạng sống con người, các nhà lãnh đạo cũng đặt từng người hoặc từng nhóm người lên bàn cân đo đong đếm (chẳng hạn, dành nhiều ưu tiên cho nhóm thanh niên trong độ tuổi lao động hơn người già).

Ý kiến của mình:

  • Đây cũng là một câu tuyên truyền cần thiết, để hình thành cảm giác xã hội công bằng ai cũng giống nhau, tránh xung đột. Còn trên thực tế, mình thích nghĩ theo hướng: mỗi người về cơ bản đều bình đẳng, có giá trị khởi điểm như nhau, nhưng với mỗi thông tin ta có thêm về từng người (tuổi, tính cách, hành động, suy nghĩ…), ta lại điều chỉnh, thay đổi đánh giá của ta về họ, dù chấp nhận rằng nhận định của ta có thể không hoàn hảo. Hãy công bằng với mọi người, nhưng một lần nữa cũng đừng để bị bó buộc bởi giáo điều. So sánh giữa người với người là cần thiết, đặc biệt khi bạn là người đưa ra quyết định ở những lĩnh vực quan trọng như y tế, quốc phòng. Việc đánh đồng đại trà 2 người bất chấp năng lực, đóng góp của họ mới là không công bằng.

“Mạng người quý hơn mạng thú”

Một chân lý quen thuộc, cho đến khi ta đặt câu hỏi “Tại sao?“. Ai nói mạng sống con người quý hơn con thú? À, là do con người nói.

Bạn có thể đưa ra lập luận “mạng người quý hơn thú vì con người có trí thông minh cao hơn, bộ não phát triển hơn“. Nhưng nếu như vậy, cũng đồng nghĩa với việc bạn cho rằng mạng của 1 đứa trẻ sơ sinh, của 1 người bị thiểu năng trí tuệ, hoặc đang bị hôn mê thực vật đều ít giá trị, vì não kém phát triển. Hay là “tại người quyền lực hơn thú, có nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển cao hơn, nên ta có quyền cho rằng ta quý giá hơn“? Nhưng như vậy, việc ngày xưa thực dân đàn áp, chèn ép dân bản địa, coi mạng người như cỏ rác cũng là hợp lý, vì họ có súng ống khỏe hơn, có quyền lực hơn. Hmm, chắc tại vì “ta là đồng loại, bản năng của ta sẽ gần gũi, yêu mến những sinh vật giống ta hơn“. Nếu vậy thì việc người da trắng phân biệt chủng tộc, khinh thường mạng sống của những người da đen “khác họ” cũng là bình thường?

Ý kiến của mình:

  • Đây là một câu tuyên truyền cần thiết, để giúp người ta đỡ cảm thấy cắn rứt lương tâm cho việc ăn thịt động vật, bắt chúng làm thí nghiệm, thay ta làm các nhiệm vụ nguy hiểm. Còn trên thực tế, rất khó để đưa ra một luận điểm nào chính đáng để lý giải cho mệnh đề này. Về bản chất, chúng ta đang nô lệ hóa động vật bằng quyền lực mạnh hơn, giống những gì vua chúa phong kiến, thực dân, người da trắng đã làm trong quá khứ. Rất khó để lý luận rằng mạng sống của một con cảnh khuyển chống tội phạm ma túy lại không quý bằng mạng sống của tên trùm ma túy. Cũng giống như việc 2 người sẽ có giá trị khác nhau đối với mỗi cá nhân và đối với xã hội, thì 1 con vật và 1 con người cũng có những giá trị khác nhau, tùy thuộc vào khả năng, đóng góp của từng bên. Nếu một người xa lạ và con chó cưng của mình cùng rơi xuống nước, chắc chắn mình sẽ cứu “bạn thân của mình” không hề lưỡng lự, không hề áy náy, bởi đối với mình chú chó cưng giá trị hơn một người xa lạ. Chắc sẽ có người dè bỉu rằng mình là nhà “chó quyền“, nhưng nó chỉ giống như họ đang chỉ trích mình lựa chọn kem vị cốm thay vì vị sôcôla, trừ khi người đó trả lời được câu hỏi tại sao.

Tất nhiên, toàn bộ những thảo luận ở trên đều chỉ như một bài tập rèn luyện về cách nghĩ, chứ giá trị thực tiễn không quá nhiều. Đa số chúng ta không bao giờ cần đưa ra các quyết định về sinh mệnh trong cuộc sống thường ngày. Nhưng nếu chẳng may có lúc cần đến, hoặc nếu bạn là một vị tướng trên chiến trường, một người lãnh đạo đất nước, một giám đốc quỹ từ thiện lớn… nắm trong tay vận mệnh của nhiều người, thì hãy nhớ rằng, điều quan trọng không phải là hô khẩu hiệu sáo rỗng. Tích cực đặt câu hỏi tại sao, và dám hành động, đưa ra quyết định theo lý trí, thường sẽ đem lại hiệu quả đường dài cao hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *