Đầu năm 2022, một chiếc máy bay của Vietnam Airlines từ Tokyo về Hà Nội đã phải quay đầu trở lại, vì nhận được cuộc gọi đe dọa “tao sẽ bắn hạ chuyến bay này” [1]. Đây là thông lệ hoạt động của hầu hết các hãng hàng không trên thế giới. Hành khách cũng không ai phản đối, dù khó chịu, mất thời gian, tốn kém, vì “mạng người vô giá“, “bất kể xác suất cuộc gọi là thật có nhỏ đến đâu, cũng không thể mạo hiểm“. Nhưng chỉ cần làm 1 bài tập tưởng tượng, nếu có người gọi điện đe dọa “tao sẽ bắn hạ tất cả các chuyến bay cất cánh từ Nhật Bản“, liệu hàng không có cho dừng toàn bộ các chuyến bay? Rõ ràng, đến một lúc nào đó, người ta phải nghĩ đến xác suất, cân đo đong đếm thiệt hơn, quy mạng người ra con số, bởi thật ra, mạng người không phải là vô giá [2]. Dù có yêu quý mạng sống của bản thân, gia đình đến mấy, vẫn phải chấp nhận với việc mạo hiểm nó hàng ngày, nếu xác suất đủ thấp. Đơn cử, khi bạn bắt máy bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng ký 1 hợp đồng đem lại cho bạn 500 triệu VND, thì cũng có nghĩa tự bạn đánh giá mạng sống của bạn giá trị ít hơn 50 ngàn tỉ VND, vì xác suất máy bay rơi nổ là 0.00001% [3].
Con người vốn thường mắc sai lầm khi đụng đến những vấn đề liên quan xác suất, và càng dễ sai lầm hơn trong chủ đề sinh tử vốn nhạy cảm, cảm xúc dễ trào dâng quên đi lý trí. Chính vì vậy, nhiều công ty dựa vào đây để kiếm bộn tiền [4]. Thời gian gần đây, nếu bạn chuẩn bị sinh con, thường sẽ thấy tràn ngập những quảng cáo về lưu trữ máu cuống rốn/tế bào gốc cuống rốn, như một dạng “thần dược đắt tiền” (chi phí có thể lên tới vài trăm triệu, cộng thêm trăm triệu phí thường niên, tùy bạn chọn gói nào), dự phòng bảo vệ cho tương lai của con. Bước chân vào nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện công, đập vào mắt là những poster, tờ rơi. Thậm chí các bác sĩ sản khoa cũng góp phần khuyến khích, ca ngợi công nghệ này hết lời, hoặc ai tế nhị hơn thì nói “khách quan” theo kiểu “tùy ba mẹ thôi, có tiền thì cứ làm, dự phòng cũng tốt“. Tìm trên các trang tin chính thống bằng tiếng Việt, kể cả từ các bệnh viện lớn không tiện nhắc tên, hầu như 99% chỉ có lời khen, giống hệt như khi bạn tìm hiểu bằng tiếng Việt về bảo hiểm nhân thọ một vài năm về trước.
Nhưng khi bạn thử tìm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp… từ các nguồn quốc tế, sẽ bắt đầu thấy rất nhiều ý kiến trái chiều (tương tự như khi bạn tìm hiểu bằng tiếng nước ngoài về bảo hiểm nhân thọ). Có thể bạn chưa biết, các ngân hàng tế bào gốc cuống rốn tư nhân bị cấm tại 3 nước phát triển là Pháp, Bỉ và Ý [5], dù Pháp chính là nơi đầu tiên ghép máu cuống rốn từ 1988. Nhiều nước hay hiệp hội tiên tiến khác cũng không khuyến khích hoạt động này, như đại học sản phụ khoa Hoàng Gia Anh [6], hiệp hội cấy ghép máu và tủy Hoa Kỳ, cả học viện Nhi khoa Mỹ và hiệp hội sản phụ khoa Canada đều phản đối, thậm chí kết luận thẳng thừng “lưu trữ tế bào gốc cuống rốn ở các ngân hàng tư nhân như 1 dạng bảo hiểm sinh học là không thông minh cho lắm” (“private storage of cord blood as ‘biological insurance’ is unwise“) [7]. Không ngạc nhiên khi ngành business khổng lồ này chủ yếu chỉ phát triển ở những quốc gia mà luật pháp còn chưa đủ nghiêm minh, tha hồ quảng cáo sai sự thật, nói khống, chẳng hạn Ấn Độ, Indonesia, Ba Lan, và 1 nước Đông Nam Á nào đó. Một công ty có thị phần rất lớn tại Việt Nam được quảng cáo là đến từ Singapore, nhưng thực chất là công ty Ấn Độ, còn tại Singapore chỉ là trụ sở đại diện.
Tỉ lệ sử dụng máu cuống rốn của chính bản thân để chữa bệnh là vô cùng hiếm, khoảng 1 trên 200.000 (hiếm hơn xác suất máy bay rơi nổ). Học viện y khoa quốc gia Mỹ cho biết, mới chỉ có 14 thủ thuật như vậy từng được thực hiện [8]. Lý do là vì máu bệnh nhân thường cũng chứa khiếm khuyết di truyền tương tự. Tiến sĩ Joanne Kurtzberg, giám đốc chương trình cấy ghép máu và tủy trẻ em tại trung tâm y tế đại học Duke cho biết “nếu trẻ em bị ung thư, tôi chắc chắn sẽ không sử dụng máu cuống rốn của chính trẻ để điều trị“. Với anh chị em ruột, chỉ có 25% khả năng tương thích, còn với bố mẹ hay họ hàng, xác suất càng thấp hơn. Tiến sĩ Daryl Tan, chuyên gia huyết học tại trung tâm ung thư Raffles, Singapore tư vấn thêm: “ngay cả khi tế bào máu cuống rốn của anh chị em hoàn toàn trùng khớp, tôi vẫn muốn lấy mẫu tế bào gốc mới vì hiệu quả cao hơn nhiều” [9]. Ngoài ra, lượng máu cuống rốn được rút ra từ trẻ sơ sinh cũng hiếm khi đủ để điều trị cho người lớn [10]. Trong khi đó, với trẻ em, ghép tế bào gốc thường không phải phương pháp điều trị ưu tiên, vì đòi hỏi phải phá hủy các tế bào hiện có của trẻ để cho phép các tế bào mới bén rễ và phát triển, gây ra tác dụng phụ lâu dài – theo chuyên gia tư vấn cấp cao của viện ung thư đại học quốc gia Singapore Allen Yeoh.
Ngay cả khi tương thích, thì công dụng của công nghệ này cũng không nhiều như quảng cáo. Theo Irving Weissman, giám đốc viện Y học phục hồi và tế bào gốc sinh học, thuộc trường Đại học Stanford ở Mỹ, dây rốn chứa các tế bào gốc có chút ít khả năng tái tạo sẹo, xương và chất béo, nhưng không có tác dụng tái tạo não, không thể tạo máu, không giúp gì được cho bệnh nhân tim, chẳng thể tái tạo cơ xương như nhiều người vẫn nghĩ [11]. Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, nguyên viện trưởng viện huyết học truyền máu trung ương cho biết: “ghép tế bào gốc chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh chống lại tác dụng phụ của các đợt điều trị hóa chất quá mạnh, còn tế bào này không tiêu diệt được tế bào ung thư ác tính” [12]. Nhiều ngân hàng tế bào gốc ở Việt Nam quảng cáo về việc chữa trị bệnh tim, Alzheimer, tiểu đường, tự kỷ, bại não và nhiều bệnh khác, nhưng đây là không đúng [13], tất cả mới trong quá trình nghiên cứu, hiệu quả chưa bao giờ được chứng minh và thừa nhận bởi giới khoa học [14]. Khi mình hỏi kỹ hơn, đại diện các công ty này xuống nước, nói giảm rằng “không chữa được, nhưng hỗ trợ điều trị“, một khái niệm mơ hồ, vì uống 1 ly nước cam hồi sức có khi cũng được tính là hỗ trợ điều trị. Một số công ty thì lý luận “tuy bây giờ chưa chữa được, nhưng khoa học phát triển nhanh, đến lúc con bạn trưởng thành thì khả năng cao chữa được“. “Khả năng cao” là bao nhiêu %? Khả năng cao khoa học phát triển, 20 năm nữa ta đã có nhiều biện pháp điều trị khác còn tốt hơn. Và cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào cho biết chính xác thời hạn sử dụng của các tế bào gốc lưu trữ được bao lâu [15]. Mình lại hỏi thêm, trong lịch sử hoạt động của công ty, đã có người nào tại Việt Nam sử dụng công nghệ này để chữa những bệnh trên, thì được trả lời là chưa có ai. Phần lớn ứng dụng tại Việt Nam là trong lĩnh vực làm đẹp: trị sẹo, làm sáng da, căng mịn, “làm chậm quá trình lão hóa của da“.
Mình không phải bác sĩ, nên không dám đưa ra lời khuyên gì. Nhưng trừ khi các bác sĩ, bệnh viện tại Việt Nam biết được điều gì hơn biết bao tổ chức y khoa, chuyên gia quốc tế nêu trên, thì hành động quảng cáo cho công nghệ này, theo mình, hoặc chứng tỏ họ yếu về chuyên môn, hoặc họ yếu về y đức. Nếu gia đình bạn siêu giàu, bỏ ra vài trăm triệu hay hàng tỉ chỉ để tăng 0.000001% cơ hội sống cho con, mình cũng không dám dạy nhà giàu tiêu tiền, ít ra còn ý nghĩa hơn những thú vui như toilet mạ vàng, áo khoác lông thú, những bữa tiệc xa hoa. Nhưng với đại đa số các gia đình khác, có nhiều cách tiêu tiền hiệu quả hơn rất nhiều, dù cũng là để bảo vệ, tăng cơ hội sống sót cho con bạn trước những hiểm họa ít khi xảy ra:
- Bạn có luôn đội nón bảo hiểm cho con, dù đi xe đạp hay chơi ván trượt?
- Xe hơi của bạn có trang bị car seat đúng cách, có luôn đeo đai an toàn cho con dù ngồi ghế sau?
- Xe máy của bạn có bảo dưỡng thường xuyên?
- Bạn có tiêm phòng vaccine cho con đầy đủ?
- Đồ ăn uống có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hay mua đại ngoài chợ cho rẻ?
- Có hay mua đồ 2nd hand, đồ không rõ nguồn gốc?
- Có đưa con đi khám thường xuyên, nhất là chuyên gia tâm lý?
- Bạn đã “child proof” căn nhà bạn (bọc cạnh bàn, cố định đèn, tủ, bịt ổ điện chống giật, khóa tủ bếp, luôn đóng nắp bồn cầu…)?
- Chấp nhận chi phí cao hơn 1 chút để sống tại khu vực an toàn, dân trí cao?
- Trên hết, có dành đủ thời gian cho con, hay giao hết cho người trông trẻ, người giúp việc, để tranh thủ kiếm thêm ít tiền?
Đó mới là những hành động đánh đổi tiền/thời gian cho con một cách đáng giá, hiệu quả, thay vì để cảm xúc lấn át, tin theo những lời quảng cáo thổi phồng, vô căn cứ.
Ghi chú
- [1] Chuyến bay của Vietnam Airlines phải quay lại Nhật vì bị dọa bắn trên vịnh Tokyo
- [2] Sinh mệnh con người
- [3] Nguy cơ máy bay rơi nổ
- [4] 0% và 1% – bảo hiểm nhân thọ
- [5] INTERNATIONAL OFFENSIVE ON CORD BLOOD BANKING
- [6] Cord Blood Banking for Potential Future Transplantation
- [7] Cord Blood Banking: Antenatal Care Provider’s Roles and Responsibilities
- Private Cord Blood Banking: Experiences And Views Of Pediatric Hematopoietic Cell Transplantation Physicians
- [8] Should You Bank Your Baby’s Cord Blood?
- [9] Privately-banked cord blood’s low rate of use calls into question its necessity
- [10] The Truth About Cord Blood Banking
- [11] “Lập ngân hàng tế bào gốc từ dây rốn là trò bịp”
- [12] Gửi tế bào gốc máu cuống rốn mất vài chục triệu đồng, có thực sự cần thiết?
- [13] The law and problematic marketing by private umbilical cord blood banks
- [14] Should You Bank Your Baby’s Cord Blood?
- [15] Private cord blood banks are fooling the public, say doctors